Trong các nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại ĐH Bonn (Đức) báo cáo số lượng bé gái dậy thì sớm ghi nhận tại một trung tâm y tế duy trì ổn định từ năm 2015 đến năm 2019, dưới 10 ca/năm.
Tuy nhiên, con số này tăng lên 23 vào năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và tiếp tục tăng lên 30 vào năm 2021, theo kết quả được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Nội tiết Nhi khoa châu Âu năm 2022 ngày 17/9.
Nhóm chuyên gia Đức không phải những người duy nhất nhận thấy số ca dậy thì sớm tăng gấp đôi. Tiến sĩ Karen Klein, Bệnh viện Nhi đồng Rady và Đại học California, San Diego, Mỹ, cho biết: "Những năm trước Covid-19, chúng tôi tiếp nhận 28 trẻ em điều trị chứng dậy thì sớm. Trong năm Covid-19, chúng tôi tiếp nhận 64 em".
Kết quả tương tự được báo cáo tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Dậy thì sớm là tình trạng hiếm, ảnh hưởng đến một trong số 5.000-10.000 trẻ em trong thời kỳ trước đại dịch. Tỷ lệ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 10 lần bé trai. Lý do đằng sau sự chênh lệch giới tính này không rõ ràng.
Sezer Acar tại Bệnh viện Nghiên cứu và Giáo dục Trẻ em Behçet Uz ở Izmir, tác giả của nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Trước đây, tôi điều trị cho một hoặc hai bệnh nhân mỗi tháng do dậy thì sớm, nhưng trong giai đoạn này (giai đoạn đầu của đại dịch trước khi nghiên cứu của ông được công bố), tôi phải điều trị hai hoặc ba bệnh nhân một tuần”.
Bất kể giới tính gì, dậy thì sớm liên quan đến tầm vóc thấp bé khi trưởng thành cũng như các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn bệnh tim, tiểu đường loại 2 và một số bệnh ung thư. Dậy thì sớm cũng có liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn lo lắng ở trẻ em trai và trầm cảm ở trẻ em gái.
Bàn về nguyên nhân, theo tiến sĩ Klein, dậy thì sớm có thể do căng thẳng, tình trạng tăng cân do không tập thể dục trong thời gian giãn cách. Nhiều trẻ em nữ được chẩn đoán dậy thì sớm bị xáo trộn giấc ngủ, ngủ muộn hơn so với thời gian trước đại dịch. Số khác bị viêm xoang - tình trạng thường xảy ra khi mắc Covid-19.
Paul Kaplowitz (Bệnh viện Quốc gia dành cho Trẻ em ở Washington D.C.) nói nguyên nhân cũng có thể nằm ở việc trẻ dùng thiết bị điện tử nhiều hơn, thay đổi thói quen ngủ do học online.
Các yếu tố này không được đánh giá trong tất cả các nghiên cứu. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học Italy, nhóm nghiên cứu phát hiện những bé gái được chẩn đoán dậy thì sớm trong thời gian phong tỏa vì dịch có giấc ngủ bị xáo trộn và đi ngủ muộn hơn những bé gái dậy thì sớm trước đại dịch.
Một số người đã đặt câu hỏi liệu SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân hay không. Viêm khoang mũi đã được ghi nhận ở cả bệnh nhân Covid-19 và những người dậy thì sớm. Mặc dù không thể loại trừ giả thuyết này, đặc biệt vì nhiều trường hợp trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, thường bị bỏ qua. Song, ông Kaplowitz cho rằng nCoV khó có thể là nguyên nhân.
“Tôi không nghĩ ảnh hưởng của Covid-19 lên tình trạng bé gái dậy thì sớm chỉ giới hạn ở những người nhiễm SARS-CoV-2. Đặc biệt khi ở giai đoạn đầu đại dịch, trẻ em thường ít nhiễm virus hơn người lớn”, ông Kaplowitz chia sẻ.
Không xét đến đại dịch, tuổi dậy thì trung bình giảm 3 tháng mỗi thập kỷ kể từ năm 1977 dù có rất ít dữ liệu về ảnh hưởng của các sự kiện đau thương khác như chiến tranh hoặc suy thoái.
Hiện nay, thuốc có thể làm giảm mức độ hormone và làm chậm sự phát triển giới tính trong vài năm. Tuy nhiên, điều này thường chỉ được khuyến khích nếu dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề về tình cảm hoặc thể chất.
Một số bác sĩ hy vọng rằng việc đi học trở lại và trẻ em thích nghi với những thách thức liên quan đến đại dịch sẽ làm chậm tốc độ dậy thì sớm.
“Khi dữ liệu được xem xét trong năm qua, đặc biệt ở những nơi mà hầu hết trẻ em đều đã đi học trở lại và cuộc sống trở lại bình thường hơn, tôi dự đoán tỷ lệ dậy thì sớm sẽ trở lại như trước đây”, ông Kaplowitz nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn