Số ca mắc cúm A tăng bất thường, Sở Y tế Hà Nội nói gì?

16:41 | 20/07/2022;
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm. Từ tháng 1 đến tháng 4/2022, mỗi tháng ghi nhận trung bình 400 trường hợp mắc cúm nhưng đến tháng 5, số mắc tăng lên 556 trường hợp và tháng 6 tăng vọt lên 887 trường hợp.

Hiện nay, tại một số cơ sở y tế ở Hà Nội đã ghi nhận số ca mắc cúm A tăng cao. Theo các chuyên gia, đây là điều bất thường, bởi thời điểm hiện tại không phải là mùa cúm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 18/7, thành phố đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm. Trong đó, số ca mắc cúm có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian gần đây. 

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 252 bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Các bệnh nhân này phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Theo nhận định, tình hình bệnh cúm hiện nay đang có xu hướng tăng. 

Cũng trong ngày, 20/7, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đã ký văn bản gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh cúm mùa.

Theo các chuyên gia, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần chủ động ngừa cúm, bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người nghi nhiễm cúm, tránh tập trung đông người khi có dịch cúm. Giữ ấm cơ thể, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, thường xuyên vận động để nâng cao sức khỏe. Giữ nhà cửa thông thoáng, lau chùi các vật dụng bằng dung dịch sát khuẩn.

Đặc biệt, trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine phòng cúm từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của các chủng cúm. Khi trẻ có dấu hiệu nặng như tiêu chảy, sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn thì cần phải nhập viện điều trị. Cùng với đó, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh tập trung đông người khi đang có dịch cúm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn