Nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc tăng vọt
Thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, tuần qua địa phương này ghi nhận 140 ổ dịch sốt xuất huyết mới và 991 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 4.571 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc tăng 47,1 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, trên địa bàn thủ đô tiếp tục ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Phúc Thọ. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Cùng thời điểm, TPHCM cũng ghi nhận 167 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 31% so với trung bình 4 tuần trước, kéo tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến ngày 21/7 lên thành 4.599 ca.
Tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang rất phức tạp khi từ đầu năm đến nay, toàn khu vực đã ghi nhận gần 5.000 ca mắc. Tại nhiều địa phương khác cũng đã rải rác xuất hiện các ổ dịch.
Tổng hợp những tháng đầu năm 2024, cả nước đã có khoảng 20.000 người mắc sốt xuất huyết và lưu hành cả 4 týp virus Dengue. Đáng lưu ý, đã có các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Không thể chủ quan
Có nhiều ca mắc sốt xuất huyết được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch. Mới nhất là trường hợp bé gái 7 tuổi ở tỉnh Bình Thuận. Bé được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu trong tình trạng sốc sâu, huyết áp không đo được. Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 5, điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên, tình trạng bé diễn tiến nặng hơn nên được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM). Tại đây, bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, suy hô hấp nặng.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cảnh báo, có một số nhóm đối tượng khi mắc sốt xuất huyết dễ diễn biến nặng như người dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Người có bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
Nhóm béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh, tỷ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin thêm, sốt xuất huyết chia thành các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 là khi bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng, chỉ hạ sốt, uống oresol.
Ngày 15/05/2024, Bộ Y tế Việt Nam chính thức cấp phép sử dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết Qdenga và sẽ triển khai tiêm chủng cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Giai đoạn 2, từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7. Bệnh nhân có 2 tình trạng, ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số người) sẽ dần khỏi. 6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc, vì thoát dịch khỏi thành mạch.
Điều đáng lưu ý, ở giai đoạn 1, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính. Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có sốt xuất huyết trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là sốt xuất huyết. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính. Nếu chủ quan ở giai đoạn này, người bệnh có thể phải trả giá rất đắt.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi vằn, lưu hành thường xuyên với số mắc cao trong khu vực. Mặc dù các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết đã được triển khai thực hiện nhiều năm nhưng số lượng gia tăng các ca sốt xuất huyết vẫn xảy ra. Có nhiều lý do, song có một yếu tố quan trọng là ý thức của người dân.
Tại một số địa phương, công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Sự hợp tác của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, chưa chủ động phòng, chống bệnh mà chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành y tế.
Do vậy, các địa phương cần xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân còn để phát sinh loăng quăng sau nhiều lần giám sát, nhắc nhở. Đồng thời, cần xem đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ước tính thế giới có 390 triệu ca sốt xuất huyết Dengue xảy ra hàng năm, 96 triệu ca trong số đó có biểu hiện lâm sàng. Có đến 3,9 tỉ người ở 129 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết Dengue, chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Các trường hợp nặng xảy ra ở khoảng 500.000 người mỗi năm, với tỷ lệ tử vong là 10% ở những bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này có thể giảm xuống dưới 1% nếu được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm dựa trên các dấu hiệu cảnh báo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn