Sợ con cá biệt, cha mẹ đau đầu nghĩ quà tặng cô ngày lễ

12:44 | 07/03/2017;
Những ngày này, nhiều phụ huynh đau đầu nghĩ chuyện tặng quà cho cô giáo của con. Tuy nhiên, nhưng trong lòng họ cảm thấy khó chịu khi một năm học có quá nhiều dịp... phải "biếu xén, quà cáp" cho cô.
Nhiều phụ huynh tặng quà cô với suy nghĩ cô sẽ ưu ái con mình Ảnh minh họa internet.

Mấy ngày nay, chị Phan Thu Hà (Linh Đàm, Hà Nội) “lùng sục” khắp các trang mạng để tìm mua món quà 8/3 phù hợp tặng cô giáo của con. Con chị học mẫu giáo ở trường công lập có tiếng ở quận Đống Đa. Gần đến ngày 8/3, con đã về "nhắc" mẹ nhớ... tặng hoa cho cô.

Chị Hà kể, đầu năm học, chị đã phải chuẩn bị 3 phong bì cho 3 cô giáo với mong muốn các cô sẽ chăm chút cho con gái bé nhỏ của mình. Liền sau đó là dịp Tết Trung thu, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3- dịp nào cũng khiến chị đau đầu chọn những món quà khác nhau để tặng các cô. Mỹ phẩm, túi xách, khăn choàng,… mua đồ xịn thì không đủ tiền, mua đồ bình dân thì các cô không dùng. Thế nhưng, chị không thể tặng cô cái phong bì “chơ lơ” được vì “trông như thế không lịch sự”.

Dù mệt mỏi với “lệ” này, nhưng chị Hà không thể làm khác khi cho con học ở trường điểm công lập. “Cha mẹ nào cũng phải có quà cho cô. Mình không có quà, con mình sẽ rơi vào trường hợp đặc biệt. Như thế, con đi học, bố mẹ sẽ không thể yên tâm khi luôn nghĩ rằng, con không được cô giáo yêu quý”, chị Hà chia sẻ.

Nhà có điều kiện như chị Hà còn đỡ, với những gia đình thu nhập chỉ đủ chi tiêu hằng ngày thì việc tặng quà cho cô những ngày lễ, Tết thực sự là vấn đề không nhỏ. Chị Bùi Thị Nguyệt (Phương Mai, Hà Nội) có hoàn cảnh khá khó khăn, thu nhập của 2 vợ chồng chỉ được vài triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không thể thiếu quà cho cô những ngày lễ, Tết. “Không chỉ quà cho cô chủ nhiệm mà còn phải lo quà cho các cô môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ, tính ra cũng mất đứt một phần tiền chi tiêu trong gia đình. Tháng nào “dính” ngày lễ, Tết thì bố mẹ lại phải lo xoay sở, chi tiêu chắt bóp hơn. Không quà cáp cho cô giáo thì con mình lại bị đối xử không bằng các bạn khác”, chị Nguyệt cho biết.

Việc tặng quà cô nên xuất phát từ tình cảm thầy trò và để khơi gợi lòng biết ơn thầy cô trong học sinh. Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài.

Chị Nguyệt kể, ngày 20/11, các phụ huynh xếp hàng để tặng quà cô, trong đó có một phụ huynh đi bán dạo kẹo cao su, tăm, bông mang theo “đồ nghề” vào trong lớp. Để có món quà tặng cô giáo của con trong những ngày lễ ấy, phụ huynh đó đã phải rất nhọc nhằn. Họ tâm niệm, dù vất vả thế nào vẫn phải cố gắng để con không bị xếp vào danh sách “những học sinh… đặc biệt”.

Thế nên mới có chuyện, khi thấy chị Đặng Huyền Thu (Kim Liên, Hà Nội) không tặng quà cô giáo nhân ngày lễ, các đồng nghiệp vô cùng ngạc nhiên. Họ cho rằng, chị quá can đảm. Chị Huyền Thu bày tỏ: “Tôi cho rằng, chỉ có ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày của các thầy cô, phụ huynh có thể tri ân thầy cô giáo bằng những lời chúc mừng, bằng những món quà xuất phát từ tình cảm chân thành. Những ngày lễ khác là không cần thiết bởi cứ ngày lễ nào cũng tặng quà là chính phụ huynh đang… làm hư các cô. Tôi chấp nhận việc con tôi không được cô ưu ái, nhưng tôi không vì thế mà nói xấu cô với con. Điều quan trọng là cha mẹ dạy con thế nào chứ đừng nghĩ có quà tặng con học hành sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Dạy các con tự tay làm quà tặng cô sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều việc phụ huynh tặng quà cho cô. Ảnh minh họa.

Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội), thực tế có hiện tượng phụ huynh tặng "quà" cho giáo viên với mong muốn con mình được cô ưu ái hơn. Chính việc tạo ưu thế cho con đã khiến môi trường cạnh tranh trong trường học lẽ ra phải lành mạnh thì trở nên vẩn đục, đầy toan tính. Những đứa trẻ có ưu thế như vậy liệu có thể tự mình vượt qua khó khăn? So với giông tố ngoài đời, yếu thế một chút trong trường học là khó khăn nhỏ xíu mà con có thể dễ dàng vượt qua. Nếu con từng vượt qua dù chỉ một lần, con sẽ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng thử sức với các thử thách lớn hơn. Khi đó, chắc chắn con sẽ ngày càng mạnh mẽ và giỏi giang.

Từ kinh nghiệm làm việc với nhiều trẻ em, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ em không cần những lợi thế mà cha mẹ cố tình tạo ra cho chúng. Các con cần cha mẹ để chúng tự bay, tin tưởng con, động viên khi chúng nản lòng, khen ngợi khi chúng thành công và luôn là bến bờ bình yên để an ủi khi chúng gặp chuyện buồn phiền. 

Xuất phát từ quan điểm này, các phụ huynh không cần thiết phải "vẽ vời" tặng quà cho giáo viên vào tất cả các ngày lễ trong năm. Về phía các nhà trường, có thể "học" cách mà nhiều trường ngoài công lập đã áp dụng lâu nay, nghiêm cấm giáo viên nhận quà từ phụ huynh học sinh. Chỉ khi thực hiện điều này, mới đảm bảo được môi trường giáo dục công bằng cho mọi học trò, tình cảm của giáo viên không nặng với học sinh này, nhẹ với học sinh khác chỉ vì em có quà, em không. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn