Thông tin trên được bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM, nêu tại buổi họp báo định kỳ vừa qua. Theo bà Như Quỳnh, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, xu hướng kinh doanh online và những kênh mua sắm hiện đại phát triển mạnh, kinh doanh tự phát,… là những nhân tố ảnh hưởng tới mãi lực của các chợ truyền thống.
"Dù như thế nào thì chúng tôi nhận định chợ truyền thống vẫn sẽ còn tồn tại. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp cùng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM. Từ đó, Sở sẽ có những đề xuất cùng với việc nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TPHCM", bà Quỳnh cho hay.
Trước mắt sẽ sắp xếp, bố trí lại các thương nhân và các chợ trên địa bàn TPHCM. Tiếp theo, Sở Công Thương sẽ hướng dẫn thương nhân kinh doanh thông qua các kênh mua bán trực tuyến. Từ đây, các tiểu thương có thể quảng bá sản phẩm, bán hàng thông qua thương mại điện tử hoặc đa dạng các phương thức thanh toán để người dân dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang khảo sát nhu cầu của thương nhân và tiếp cận nguồn hàng mà thương nhân đang lấy để kết nối, giảm kinh phí và có mức giảm giá phù hợp cho khách hàng.
Liên quan đến vấn đề giảm thuế cho thương nhân chợ truyền thống, Sở Công Thương ghi nhận và sẽ đánh giá tác động của nhiều yếu tố liên quan trước khi tham mưu, đề xuất cho UBND TPHCM.
"Chúng tôi rất mong UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các chợ truyền thống.
Đối với chợ truyền thống hoạt động không hiệu quả thì sẽ tính tới phương án chuyển đổi công năng. Trong nội bộ các chợ có thể tính tới chuyện gom ngành hàng. Việc sắp xếp này sẽ do các quận huyện tính toán, lên phương án cụ thể.
Với những giải pháp trước mắt thì chúng tôi hy vọng phần nào sẽ gia tăng mãi lực cho chợ truyền thống, nhất là trong thời gian mua sắm cuối năm hiện nay", bà Như Quỳnh nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn