Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2014-2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương với số người tham gia tăng thêm mới hằng năm).
Riêng năm 2021, theo thống kê đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần- một con số rất đáng để suy nghĩ.
Xét từ khía cạnh giới, các nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi và từ 30 đến 34 tuổi là 2 nhóm tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất đối với cả nam giới và nữ giới tương ứng là 50,5% và 54,9%. Tuy nhiên, nếu như ở nam giới nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 25,9%; thì ở nữ giới nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi lại là nhóm có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 30%.
Xu hướng này ở phụ nữ có thể được giải thích là do phụ nữ ở các nhóm tuổi này đang trong độ tuổi sinh đẻ phải nghỉ việc sinh con. Còn đối với nam giới, lý do được đưa ra là họ ở độ tuổi cần chu cấp cho gia đình nên khi mất việc thường nghĩ ngay đến đến nguồn tài chính từ chế độ BHXH một lần.
Những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014-2018.
Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi (chiếm 27,6%);
Nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi đứng thứ hai chiếm 25,3%;
Nhóm tuổi từ 35 đến 39 tuổi và nhóm tuổi từ 20 đến 24 tuổi lần lượt là 15,5% và 10,6%.
Một vấn đề khác rất đáng được quan tâm là số người hưởng BHXH một lần từ 2 lần trở lên đã và đang xảy ra. Có 29 trong tổng số 209 người được khảo sát cho biết họ đã hưởng BHXH một lần từ 2 lần trở lên. Người lao động nhiều lần hưởng BHXH một lần xảy ra chủ yếu đối với lao động nữ di cư từ khu vực nông thôn ra thành phố. Những lần hưởng BHXH một lần thường gắn với thời gian nghỉ việc về quê sinh con và chăm sóc con nhỏ.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Vấn đề căn cơ nhất đối với người lao động là khả năng về tài chính trong bối cảnh việc làm, thu nhập và đời sống khó khăn, bị mất việc làm, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, trang trải nợ nần,... và khi chính sách BHXH một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng thì họ sẽ tìm đến đó như là một công cụ tài chính trước mắt.
Đồng thời, quyết định hưởng BHXH một lần của nhiều NLĐ cũng xuất phát từ việc NLĐ bị mất việc làm ở khu vực chính thức với thời gian đóng góp BHXH ngắn. Để đóng BHXH được đến lúc hưởng lương hưu thì cần phải đóng thêm rất nhiều năm sau đó. Do vậy, NLĐ không muốn và cũng không đủ khả năng về tài chính để tiếp tục tham gia BHXH, xin nhận một lần luôn.
Khả năng tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống trên các trang mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.
Cùng với đó, chính sách BHXH còn rào cản, chưa thu hút sự tham gia của NLĐ, như: Quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài đến 20 năm đóng; Chênh lệch về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc quá lớn, chưa khuyến khích người có mức lương thấp tham gia BHXH…
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Trần Hải Nam, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, giúp họ có thu nhập ổn định, có tích lũy và tham gia bảo hiểm để thụ hưởng khi về già.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước và BHXH Việt Nam cần có chiến lược truyền thông tổng thể để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp NLĐ có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách BHXH.
Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương đóng để đảm bảo tiền lương đóng phải tiệm cận dần với mức tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ, từ đó góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc; thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu bên cạnh nguyên tắc đóng- hưởng cần có tính chia sẻ.
Tiếp tục duy trì chính sách BHXH một lần nhưng có sự sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bằng công cụ chính sách để NLĐ sẽ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.
Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ NSNN và huy động các nguồn lực xã hội khác,…). Qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho những NLĐ sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.
Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đồng thời hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn