Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến cáo trường học không tẩy chay thịt lợn, phụ huynh băn khoăn

12:13 | 14/03/2019;
Dịch tả châu Phi ở lợn đang lây lan rộng khiến một số trường học ở Hà Nội đã ngưng sử dụng thịt lợn cho bữa ăn của học sinh. Tuy nhiên Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có khuyến cáo các trường không được tẩy chay thịt lợn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

Người ủng hộ, người phản đối
Ngày 11/3 mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có yêu cầu các trường học trên địa bàn thủ đô không tẩy chay thịt lợn.

Trả lời báo chí, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết việc tẩy chay thịt lợn ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi. Nếu các trường loại bỏ thịt lợn ra khỏi bữa ăn sẽ có một lượng lớn thực phẩm loại này không được tiêu thụ. Sở cũng yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc của các loại thực phẩm được đưa vào chế biến bữa ăn bán trú cho học sinh.
Trên mạng xã hội lập tức có khá nhiều phản ứng và cơ bản chia thành hai xu hướng chính. Một số phụ huynh tỏ ra đồng tình với quan điểm của Sở GD.

dich-ta-lon-chau-phi-tan-cong-chau-a-hien-chua-co-thuoc-chua.jpg
Cơ quan chức năng gom lợn chết vì dịch tả châu Phi để tiêu hủy

 

Phụ huynh Hường Đỗ đưa ra ý kiến, “không tẩy chay thịt lợn. Sử dụng thịt có nguồn gốc xuất xứ vẫn được mà”. Đồng ý với quan điểm trên, người dùng có tên Trà Trà cho biết, “cần phải công khai nguồn cung cấp thịt để phụ huynh yên tâm”.
Tài khoản có tên Tường Linh Bình nhấn mạnh thêm, “các cơ quan chức năng cần làm đúng trách nhiệm, mạnh tay với những hàng quán chế biến thịt bẩn để không làm ảnh hưởng đến uy tín, kinh tế của những cơ sở cung cấp thịt sạch. Qua đó, lấy được niềm tin từ người tiêu dùng”.
Cô Phuong Do, một cựu giáo viên tại trường HK - TT ở trung tâm Hà Nội chia sẻ, “tôi có 10 năm ăn ở bếp bán trú cùng với học sinh. Thực tế, trường luôn cử một giáo viên đến thật sớm để kiểm tra chất lượng, khối lượng thực phẩm cùng đại diện nhà bếp trước khi chế biến cho học sinh. Trước khi học sinh ăn trưa, nhân viên y tế sẽ lấy tất cả các loại thức ăn cho vào hộp riêng, bảo quản trong tủ lạnh để kiếm chứng nếu sự cố xảy ra”.
Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh tỏ ra lo lắng trước thực trạng bệnh tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh và có nguy cơ xâm nhập vào bữa ăn trường học. Chị Thu Hoai Nguyen cho biết, “trường con nhà em cũng có thông báo ngưng sử dụng thịt lợn (mặc dù trường có trang trại nuôi riêng). Gia đình em ủng hộ với tâm lý thừa còn hơn sót”.
Tài khoản Hồng Nhung thẳng thắn: “Vậy mới nói khâu ATVSTP làm kém quá nên người ta lo là đúng. Bao vụ rùm beng vì nhập thực phẩm không rõ nguồn gốc bị sán nên phụ huynh mới lo. Từ trước tới giờ mà làm tốt thì đâu đến nỗi này. Chỉ khổ các hộ chăn nuôi thôi”.
Tài khoản Sơn Đặng không đồng ý với yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội, “Trong thời gian heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi, phụ huynh không muốn con mình ăn loại thịt này, thì họ đề nghị nhà trường tạm thời loại bỏ món thịt heo ra khỏi bữa ăn của các bé chứ sao lại ngăn cản?”.

hanoistar_an_thu_mon_an_moi_1_0.jpg
Phụ huynh lo lắng về chất lượng bữa ăn bán trú của con mình trong lúc dịch tả lan rộng (ảnh: Minh họa)

 

Tài khoản Thuy Thanh phân trần: “Đương nhiên thịt heo chết thì chẳng ai muốn ăn, nhiều chuyên gia hướng dẫn cách phân biệt thịt lợn chết do dịch nhưng nói thật vẫn chỉ là bằng mắt thường. Mình đi chợ mua miếng thịt còn không dám chắc là sạch hay không nay người khác mua cho con mình ăn, yên tâm sao được…”
Theo một số thông tin của chúng tôi nắm được qua mạng xã hội đã có một số trường học tại Hà Nội "nói không" với thịt lợn như: trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) một số trường ở địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) 
Sở GD&ĐT đưa ra yêu cầu có đúng thẩm quyền?
Luật sư Lê Ngọc Luân Công ty Luật GOLD KEY Law Firm khẳng định, Sở Giáo dục Hà Nội không có quyền áp đặt và yêu cầu các trường như vậy. Nhà trường có quyền và tùy tình hình để xem xét trong giai đoạn này có sử dụng thịt heo hay không. Đây là bước thận trọng cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh. Nhà trường nếu không sử dụng thịt heo làm thực phẩm trong giai đoạn này thì phải xem xét bổ sung các chất khác đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh là được.

Luật sư Trần Đức Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào cấm Sở GD&ĐT đưa ra những “khuyến cáo” như vậy. Mặt khác đây chỉ là một “khuyến cáo” không có tính chất bắt buộc vì vậy cũng không có đủ cơ sở khẳng định cơ quan này làm đúng thẩm quyền hay không. 
Tuy nhiên xét trên góc độ thực tế, Sở vẫn là cơ quan hành chính nhà nước quản lý các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy mọi động thái của Sở cho dù ở mức độ khuyến cáo chắc chắn vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trường. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn