Cũng theo thông tin từ cuộc khảo sát, số trẻ em gái bị buộc phải lao động vượt quá số trẻ em trai phải kiếm kế sinh nhai ở bang Tây Bengal. Cụ thể, trong khi ở trẻ em gái, con số tăng 113%, thì mức tăng ở trẻ em trai là 94,7%.
Cuộc khảo sát được tiến hành với sự tham gia của 2.154 trẻ em trên 19 quận của bang (trong đó có 173 trẻ em khuyết tật). Đáng chú ý, số lượng lao động trẻ em ở độ tuổi đi học, thuộc nhóm 6-18 tuổi, đã tăng 105% trong thời gian khu vực này áp dụng lệnh giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.
Tính cụ thể hơn, đối với trẻ em đi học ở nhóm 6-10 tuổi, số lượng lao động trẻ em tuy có giảm, nhưng ở hai nhóm tuổi: 10-14 tuổi và 14-18 tuổi, số lượng lao động trẻ em lại tăng.
Kể từ ngày 25/3/2020 (thời điểm Ấn Độ bắt đầu áp dụng lệnh giãn cách xã hội) đến nay, quốc gia Nam Á này đã 2 lần gia hạn việc giãn cách và trong quãng thời gian đó, đã có ít nhất 42 vụ tảo hôn xảy ra ở bang Tây Bengal. Đó là hệ quả của việc hầu hết các em phải ở nhà, không được đến trường học.
Chỉ có 29% số trẻ em ở độ tuổi đang đi học (từ mầm non đến lớp 12) tại bang Tây Bengal có thể tiếp cận sự hỗ trợ giáo dục trực tuyến. Nếu thống kê một cách chi ly hơn nữa, chỉ có 21,5% số học sinh mầm non và tiểu học được tham gia học trực tuyến và 53,2% số học sinh trung học cơ sở (từ lớp 10 đến lớp 12) được học tập online.
Có rất nhiều hình thức học trực tuyến dành cho các em, nhưng phổ biến nhất vẫn là thông qua ứng dụng WhatsApp (chiếm 54%). Tuy nhiên, có tới 49,5% trẻ em không có bất kỳ lựa chọn nào để truy cập các cơ sở giáo dục trực tuyến và 33% trẻ em không có điện thoại thông minh hoặc máy tính ở nhà để phục vụ công việc học tập.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, chỉ có 37,5% trẻ em khuyết tật ở độ tuổi đi học được tiếp cận với sự hỗ trợ giáo dục trực tuyến hoặc kỹ thuật số.
Đối với tình hình bảo vệ trẻ em ở Tây Bengal, khảo sát cũng cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, có 57% trẻ em được ăn 3 bữa mỗi ngày. Số trẻ em chỉ được ăn 1 hoặc 2 bữa ăn hằng ngày chiếm tỷ lệ 17%.
Ngoài ra, có khoảng 10% trẻ em thuộc nhóm tuổi từ 2-6 tuổi không nhận được sự bổ sung dinh dưỡng từ các trung tâm Anganwadi và 40% học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 không được ăn trưa trong thời gian học tập ở trường. 11% số trẻ em bị ốm trong thời gian giãn cách xã hội không thể tiếp cận bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào.
Và kể từ khi bang Tây Bengal áp dụng lệnh cách ly, chỉ có 3,06% số trẻ em được kiểm tra là đã tiêm chủng.
Đối với gia đình của các em, chỉ có 8,8% có điều kiện sử dụng các phương pháp phòng chống Covid-19 như khẩu trang, găng tay, xà phòng hay chất khử trùng.
Đó đều là những con số vô cùng khiêm tốn và chứng minh rằng, trẻ em ở bang Tây Bengal đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn