Cô bé Lường Thị Hải, 12 tuổi, ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) than thở: "Chắc cháu sắp tự kỷ mất thôi. Từ ngày nghỉ học đến nay cả mấy tuần, bố cháu không cho ra ngoài chơi với các bạn hàng xóm. Cứ quanh quẩn trong nhà với ông bà nội, cháu chẳng biết nói chuyện gì ngoài xem ti vi chán thì vẽ, vẽ chán lại nghe nhạc. Bố cháu sợ dịch, không cho đi đâu cả, cháu chỉ mong được đến trường cho vui thôi. Chỉ khi nào được đến trường, tâm lý của cháu mới ổn trở lại".
Nhà Hải nằm ở khu đô thị mới của huyện, xung quanh đều là những căn biệt thự sang trọng. Ngay trước nhà Hải có sân chơi của khu dân cư khá thoáng mát, sạch sẽ. Như mọi lần, Hải và bố hay các cô chú trong nhà, thậm chí cả cô bạn thân cùng tuổi là hàng xóm vẫn thường rủ nhau đánh cầu lông hoặc đạp xe vòng quanh sau những buổi chiều đi học về hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát làm hàng nghìn người chết ở Trung Quốc, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có hơn chục người bị nhiễm, bố Hải quán triệt luôn với con gái: "Từ mai con không ra sân chơi khi có người khác ngoài đó nhé. Chỉ được chơi khi thấy sân không có người". "Chơi một mình thì con chán lắm, làm sao chơi gì được nếu không có bạn?" – Hải hỏi bố. Bố cô bé nghiêm giọng: "Con cũng không sang nhà bạn chơi nữa, bạn cũng không sang nhà mình. Khi nào hết dịch mới được chơi bình thường".
Vậy là đã gần 3 tuần nay, Hải không ra ngoài cổng, cô bé chỉ biết than trời, sao kỳ nghỉ học vì dịch lại dài thế, buồn chán, vì giống như cô bé bị "giam lỏng" trong nhà mùa dịch vậy.
Nhà cậu bé Nguyễn Trường, 15 tuổi ở Quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chung số phận với cô bé Hải. Trường nghỉ học nhiều ngày, ở nhà cậu luôn kêu buồn chán. Trường có cậu bạn thân học cùng lớp chỉ cách nhà nhau 10 phút đạp xe. Bình thường 2 đứa vẫn rủ nhau đạp xe hoặc chơi bóng đá những lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, mấy tuần nay Trường cũng bị bố mẹ cấm đạp xe đến rủ bạn đi chơi bóng. Thi thoảng nhớ nhau, Trường chỉ nhắn tin, hoặc điện thoại cho bạn để than thở và mong sớm đến ngày được gặp nhau khi hết dịch.
Chị Bùi Thanh Lan, ở Q. Tây Hồ cũng thành thật tâm sự: "Nhà tôi còn cấm 3 đứa nhỏ sang nhà ông bà nội nó chơi. Nhất là kỳ nghỉ học vì dịch này kéo dài, bình thường thì chẳng ai cấm con ngược đời kiểu này, mà sẽ gửi con luôn sang ông bà nội trông cho nhẹ người. Nhưng nhà ông bà nội lại có bác ruột các cháu (là anh trai tôi) thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài vì công việc. Đặc biệt mấy ngày gần đây còn có thông tin cả Hàn Quốc, Nhật Bản trong vùng dịch bùng phát, bác các cháu lại hay gặp đối tác ở các nước này, tốt nhất là "cách ly" các cháu với nhà ông bà nội luôn cho lành". "Thi thoảng tôi vẫn ghé qua nhà ông bà thăm bố mẹ tôi, nhưng tôi về là rửa tay sạch sẽ, dùng nhiều cách phòng tránh tẩy rửa, vệ sinh cá nhân. Hơn nữa, nếu người lớn có nhiễm bệnh cũng đỡ lo hơn trẻ con, sức đề kháng chúng nó yếu. Cứ cẩn thận chút cũng đỡ lo" – chị Lan bộc bạch.
Khi các phương tiện truyền thông vẫn ra rả mỗi ngày thông tin về tình hình dịch Covid-19, nhiều gia đình cũng để sẵn lọ nước rửa tay khô ngay cửa ra vào để mọi người đến nhà đều có thể thực hiện ngay khâu rửa tay khử trùng, thay vì để khách đi thẳng vào nhà vệ sinh rửa tay như trước đây.
Việc "cách ly" con cái với bạn hàng xóm, hay ngay cả với người thân cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng gia đình đó quá cẩn thận, lo lắng thái quá về dịch bệnh sẽ khiến con cái mất đi những khoảng thời gian được chơi đùa cùng bạn bè, trong khi thời gian nghỉ học dài ngày, tinh thần của các con phải được đề cao, quan tâm. Gia đình có thể không cho con đi du lịch xa, nhưng có thể cho con chơi cùng bạn hàng xóm để các con vui vẻ, thoải mái.
Thế nhưng, bên cạnh đó rất nhiều ý kiến lại đồng tình với những cẩn trọng của các gia đình nọ trong mùa dịch Covid-19: "Cứ cẩn thận vẫn hơn, ai biết được ngoài cổng nhà mình, những người hàng xóm đã đi những đâu, gặp ai? những ai đã đi qua vùng có người nhiễm bệnh?, những ai đã có virus đang ủ bệnh trong người?. Thời covid-19 đang phức tạp, rối ren, mỗi gia đình cứ cẩn trọng phòng ngừa một chút không thừa"./.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn