Số phận thay đổi vì người đàn ông lạ mặt

19:00 | 23/04/2018;
Đã 8 năm nay họ đến chỗ hẹn, nơi cuộc gặp gỡ định mệnh ấy diễn ra. Dù mưa hay nắng, dù hè hay mùa đông giá lạnh, họ vẫn đúng hẹn, nguyên vẹn cảm giác như lần đầu gặp mặt. Khi đó bác sỹ đã nói rằng, chị chỉ sống được thêm 2 năm nữa...
Chị cựa mình, đôi mắt trĩu nặng. Người đau ê ẩm. Đầu vẫn còn hơi choáng váng. Những chùm ánh sáng như đèn nhấp nháy nhiều màu chợt tan biến. Chỉ nhìn thấy một màu trắng toát như tuyết, nhưng cảm giác lại ấm áp lạ thường. Cửa chợt mở, cô y tá đầu đội mũ trắng đi vào. 
img213-1.jpg

Chị cựa mình, đôi mắt trĩu nặng. Người đau ê ẩm. Đầu vẫn còn hơi choáng váng. Những chùm ánh sáng như đèn nhấp nháy nhiều màu chợt tan biến. Chỉ nhìn thấy một màu trắng toát như tuyết, nhưng cảm giác lại ấm áp lạ thường. Cửa chợt mở, cô y tá đầu đội mũ trắng đi vào. 

Cô ân cần hỏi han: 
- Chị thấy trong người thế nào? Chị đã ngủ li bì suốt ba ngày, ba đêm. 
Cửa xịch mở. Một người đàn ông cao, gầy, mặc áo phông, quần bò vội chạy vào. Cô y tá quay mặt về phía ông ta thông báo: 
- Vợ anh đã tỉnh rồi. 
Chị ngơ ngác. Sao lại vợ? Ông này là ai? Người đàn ông ra dấu bảo chị im lặng. Cô y tá chào ông ta và đi ra ngoài, không quên chúc một ngày tốt lành. 
Người đàn ông ngồi ở chiếc ghế đối diện với giường bệnh. Ông ta hỏi chị: 
- Chị uống chút nước nhé? 
Chị chưa kịp trả lời, ông ta đã rót một ly đầy, đặt vào tay chị. Chị uống vội vàng. 
Người đàn ông như hiểu ý, liền mở lời: 
- Tôi thấy chị ngã ngoài đường ngày hôm kia, trời mưa to nên chở vô đây. 
Cổ họng chị nghẹn lại. Nước mắt lại chảy dài trên má. Người đàn ông bối rối: 
- Chị không được khỏe? Để tôi gọi y tá nhé! 
Chị lắc đầu: 
- Không, không. Tôi cảm ơn ông nhiều lắm! 
Người đàn ông không biết nói gì, hai bàn tay liên tục xoa vào nhau, mắt nhìn chị chăm chú. Lúc đấy cửa xịch mở. Bác sỹ đi vào, theo sau là cô y tá. 
- Chào chị. Chị thấy trong người thế nào? Chị muốn ăn gì thì cho y tá biết nhé. Nhưng nên ăn đồ nhẹ thôi. 
Đôi mắt ông ánh lên một tia nhìn hóm hỉnh. Ông nói nhỏ gì đấy với y tá và quay sang nói với “chồng” chị: 
- Ba ngày nữa ra viện được rồi. Phải chăm sóc vợ ông cẩn thận, đừng để bà ấy ngã ngoài đường nữa nhé! 
Người đàn ông gật gật. Chị chưa kịp thanh minh thì bác sỹ đã ra khỏi phòng. 
*** 
Tòa phán quyết: “Người cha được quyền nuôi con đến khi chúng trưởng thành, vì thế tiền trợ cấp hàng tháng sẽ được chuyển vào tài khoản của người cha. Người mẹ phải rời khỏi nhà trong thời hạn hai tuần. Tòa bác đơn đòi chu cấp của người mẹ và bồi thường vật chất. Người mẹ cần phải được chăm sóc để nâng cao thể lực và tâm thần rối loạn nên cần phải theo một chế độ theo dõi đặc biệt. Phiên tòa kết thúc ở đây. Ai còn có ý kiến gì không? Nếu không, bãi tòa”. 
Chị cảm thấy mặt đất chao đảo nhưng vẫn gắng gượng bước đi. Chị đi qua những hàng ghế. Những bóng đen mặc áo quan tòa, cổ mang khăn trắng toát. 
Trời mưa như trút nước. Phòng xử án chẳng còn ai. Chị lê từng bước khó nhọc ra phía cửa lớn. Chị bước ra ngoài. Cơn mưa nặng hạt như quất vào mặt chị. Một luồng gió thổi qua. Chị bỗng rùng mình rồi ngã khuỵu. Không ai hay biết. 
*** 
Có tiếng gõ cửa. 
- Mời vào. 
Hai cô bé một đứa trạc tám tuổi, đứa kia trạc mười sáu, mười bảy xuất hiện trên bậc cửa. 
- Mẹ, mẹ. 
Chúng lao vào phòng như một cơn lốc. Chưa kịp âu yếm, đứa bé đã hỏi: 
- Mẹ đi đâu thế hả mẹ? 
Đứa lớn nói: 
- Con nói mẹ bao nhiêu lần là đi đâu thì nhớ mang theo thẻ cư trú. Có chuyện gì mọi người còn biết mà tìm. 
Chị mỉm cười, một cảm giác êm dịu thoáng qua. 
Hai đứa trẻ ríu rít chợt ngưng bặt. Trên bậc cửa hiện ra một người đàn ông cao lớn, mặc áo comple đen, thắt caravat màu xanh thẫm, tay cầm một bó hoa. 
Chúng quay lại hỏi: 
- Ông tìm ai? 
Ông bối rối đưa mắt về phía người phụ nữ. Chị mỉm cười và gật đầu chào người khách. 
- Mời ông vào! 
Chị nói thật nhanh. Cổ họng như nghẹn lại. 
- Đây là ông De Tendre, người đã chở mẹ vào bệnh viện lúc mẹ ngất xỉu ngoài đường, các con ạ! 
Hai đứa trẻ ríu rít cảm ơn. Chúng được dạy dỗ khá cẩn thận. 
Ông khách cảm thấy lúng túng khi đưa bó hoa cho chị: 
- Bó hoa này tặng bà! 
- Cảm ơn ông! 
Ông hỏi chị: 
- Tôi vào xem bà đã khá chưa? Ngày mai chắc bà xuất viện? 
Ông ngồi một lúc, trước lúc rời đi, ông đưa cho chị một tấm danh thiếp: 
- Khi nào bà gặp khó khăn thì hãy gọi tôi! 
Ông chào chị và đi ra. Khi vừa quay lưng, ông đụng vào một người đàn ông nhỏ thó vội vàng vào phòng. Họ cúi đầu chào nhau. Bọn trẻ quay lại nhìn. 
- Bố. Sao bố tìm được ở đây? 
Người đàn ông không trả lời. Chỉ mở chiếc cặp màu đen, lôi ra những giấy tờ, đưa cho chị. Ông ta nói giọng nhỏ, gần như rít giữa hai hàm răng: 
- Bà ký vào những giấy tờ này. 
Bao nhiêu năm sống với người đàn ông này, chị hiểu. Đã nhiều lần chị cố tìm mọi lý do để bào chữa cho ông ta. Rằng ông ta không có khả năng diễn đạt. Chị cúi xuống ký hết những giấy tờ mà ông ta đưa cho chị. Xong việc, ông bước nhanh ra ngoài. 
***
Ba giờ chiều.
Trời nắng chang chang bỗng nhiên tối sầm lại. 
Ông nghĩ bụng: “Phải nhanh lên tí nữa!”. Vào nhà tắm, ông vội vàng xả nước. 
Thay quần áo. Đôi giày. Cầm theo cái điện thoại. 
Còn sớm mà sao ông cứ bồn chồn. 
Bốn giờ. 
Thời gian trôi thật chậm. Đã tám năm nay họ đến chỗ hẹn, nơi cuộc gặp mặt định mệnh ấy. Tám năm, dù mưa hay nắng, dù ngày hè hay mùa đông giá lạnh. Họ vẫn đúng hẹn. Cứ nguyên vẹn cảm giác như lần đầu gặp gỡ. 
Ông ngồi xuống mở tivi, xem bản tin cuối ngày. 
Dự báo thời tiết sẽ có giông bão. Ông đứng bật dậy cầm chiếc áo khoác. Thoáng nghĩ đến hình ảnh người đàn bà trong mưa. 
Có tiếng bấm chuông. Ông cau mày. Sao lại là lúc này? 
Gió càng ngày càng thổi mạnh. 
Ông có thư. Người đưa thư hiện ra trên bậc cửa. 
Thư của bà. Lại trò gì nữa đây? Đôi lông mày dường như giãn ra. 
Ông vội mở thư. 
“Pierre, trời sắp giông bão rất lớn. Đừng ra ngoài. Đường trơn trượt rất nguy hiểm. Tôi không đến chỗ hẹn vì đã đi du lịch xa!”. 
Ông nhíu mày. Sao lại thế? Cái bà này! Đi mà không báo trước. Vẫn làm mọi thứ theo cảm hứng. 
Gió thổi càng ngày càng mạnh hơn. Tiếng cánh cửa đập rầm rầm. Ông đi đóng tất cả các cửa sổ lại. 
Ông đọc tiếp: 
“Pierre, tôi xin lỗi vì ra đi mà không tạm biệt. Như người Bỉ thường nói: Đi không chào như là một tên ăn trộm. 
Piere ạ. Tôi cảm ơn ông vì trong tám năm qua ông đã đến chỗ hẹn đúng giờ và không khi nào vi phạm những thỏa thuận giữa chúng ta. 
Pierre, tôi muốn nói là tôi rất biết ơn ông. Ông đã cho tôi một niềm tin mãnh liệt là trên đời này vẫn tồn tại một tình bạn thủy chung!”. 
Ông nhớ lại buổi tối định mệnh ấy. Ông quay lại tòa vì bỏ quên hồ sơ một vụ án mà ông sẽ phải thụ lý: Một gia đình nhập cư và những khúc mắc của họ. 
Bao nhiêu năm trước khi gặp bà, ông say mê công việc. Người vợ đã lẳng lặng bỏ đi, mang theo hai cậu con trai. Bây giờ chúng đã trưởng thành. 
Ông đọc tiếp: 
“Pierre, Tám năm qua, tôi như đứa trẻ chập chững, được ông dìu đi. Nay tôi đã có thể tự đi bằng đôi chân của mình. 
Tôi cảm ơn ông vì những gì ông đem đến cho tôi. 
Bây giờ tôi phải đi con đường của tôi. Ông thông cảm cho tôi nhé. Dù ở nơi đâu tôi cũng sẽ rất nhớ ông”. 
Ông cảm thấy hơi bực mình. Sao lại thế? Đi không một lời từ biệt. 
“Pierre ạ. Khi tôi gặp ông, bác sỹ nói rằng tôi chỉ sống được thêm hai năm nữa. Thế mà điều kỳ diệu đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Ông đem đến một tia nắng sưởi ấm trái tim đã bao năm lạnh giá. 
Pierre, nhưng có một điều tôi không hài lòng ở ông: Chưa khi nào ông hỏi tên tôi? Tám năm không dài đối với một cuộc đời, nhưng cũng không ngắn, phải không Pierre? 
Tôi muốn nói với ông một điều, Piere ạ: “Jet’aime” (Em yêu anh).
Mari-Pierre”. 
Gió thét gào ngoài sân. Các cành cây đập vào cửa sổ. Mưa bắt đầu nặng hạt. Ông ngồi phịch xuống như một vật rơi tự do. Rồi ông bỗng đứng bật dậy. Mở cửa, lao vút ra ngoài. 
Trong đầu ông loang loáng hình ảnh người phụ nữ ngã vật trong mưa...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn