Theo Global Times, Bệnh viện Taizhou Jiangsu (Giang Tô, Trung Quốc) mới đây đã phát hiện nhóm máu Rh-null ở một bệnh nhân nữ bị thiếu máu nặng khi làm xét nghiệm nhóm máu và kháng thể của người này. Chị gái của bệnh nhân sau đó cũng được phát hiện có cùng nhóm máu.
Rh null là một trong những nhóm máu hiếm nhất thế giới, không chứa bất kỳ kháng nguyên Rh nào trong tế bào hồng cầu, còn có biệt danh là "máu vàng". Cứ 6 triệu người mới có một người mang nhóm máu này.
Người đầu tiên được xác định có nhóm máu Rh-null là một phụ nữ thuộc tộc người thổ dân Aboriginal ở Australia. Thời điểm đó, người này sống một mình nên các bác sĩ không thể tìm ra dấu vết huyết hệ của bà.
Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ, máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo một số chất cacbohydrat và protein đặc thù trên hồng cầu. Thế giới hiện có khoảng 40 nhóm máu khác nhau với hơn 600 loại kháng nguyên.
Các nhóm máu dựa trên di truyền, có chứa một số kháng thể hay kháng nguyên nhất định. Mỗi giọt máu chứa các tế bào hồng cầu và bạch cầu, mang oxy đi khắp cơ thể, chống nhiễm trùng và tiểu cầu. Có ít nhất 33 hệ thống nhóm máu, song chỉ hai hệ thống được sử dụng rộng rãi là ABO và Rh /Rh-.
Trên thế giới, ở nhiều nơi, huyết thanh của những người mang nhóm máu hiếm được bảo quản trong ngân hàng riêng. Nhiều người mang máu hiếm được ca ngợi, nhưng cũng có trường hợp trở thành "nô lệ máu".
Cống hiến cho y khoa
Thomas (59 tuổi, ở Thụy Sỹ) tình cờ phát hiện mang trong mình nhóm máu hiếm nhất thế giới Rh-null do gặp tai nạn lúc nhỏ. Điều đó khiến cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn.
Khi đã trưởng thành, ông luôn lái xe cẩn thận, không đi du lịch tới những quốc gia thiếu cơ sở y tế hiện đại. Đặc biệt, luôn giữ một tấm thẻ xác nhận nhóm máu Rh-null trong ví phòng trường hợp phải nhập viện.
Với sự giúp đỡ của tiến sĩ Marie-José Stelling, trưởng phòng thí nghiệm huyết học và miễn dịch tại Bệnh viện Đại học Geneva, máu của Thomas được gửi đi phân tích tại Amsterdam và Paris.
Khi bước sang tuổi 18, Thomas đi khắp nơi để hiến máu. Vài năm sau, ông nhận được yêu cầu khẩn cấp đầu tiên, hiến máu cứu sống một em bé sơ sinh. Đây là khoảnh khắc ông nhận ra nhóm máu của mình rất quý giá.
Tuy nhiên, những lần hiến máu khiến Thomas đối mặt thêm tình trạng thiếu hồng cầu nhẹ. Vì vậy, ông chỉ được hiến máu 2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe.
Giống như Thomas, ông James Harrison (59 tuổi, ở Australia) đã hiến máu hơn 1.000 lần trong cuộc đời từ năm 18 tuổi.
Nhóm máu của người đàn ông đến từ Australia chứa thành phần đặc biệt chữa được bệnh Rhesus. Bệnh Rhesus (hay huyết tán trẻ sơ sinh) là tình trạng người mẹ có nhóm máu âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu dương.
Trung bình 3 tuần ông hiến máu một lần, liên tục hơn 60 năm. Theo Dịch vụ máu của Hội Chữ thập đỏ Australia, lượng máu này ước tính đã được sử dụng để cứu sống hơn 2 triệu trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ khỏi căn bệnh trên.
"Mỗi túi máu đều quý giá, nhưng máu của James đặc biệt phi thường. Máu của ông thực sự được sử dụng để làm thuốc cứu mạng, truyền cho các bà mẹ có máu tấn công thai nhi", Jemma Falkenmire, thành viên Dịch vụ Máu chữ thập đỏ Australia, giải thích.
Năm 2015, Guinness World Records ghi nhận ông là “người đàn ông có cánh tay vàng”.
Trở thành "nô lệ máu"
Đây là tình huống đáng tiếc mà anh Li Yayuanlun (gọi tắt là Li Ya), 31 tuổi, quê ở Giang Tô, Trung Quốc, gặp phải.
Li Ya cho biết tháng 6/2021, anh bị bắt cóc và đưa sang Campuchia khi đang tìm việc. Khi bị bán sang Campuchia, Li sống như "nô lệ máu" trong suốt 6 tháng trước khi được giải cứu. Từ tháng 8/2021, Li bị rút máu tổng cộng 7 lần. Mỗi lần cách nhau 1-1,5 tháng và bị rút tới 1,5 lít máu.
Số máu này được tổ chức lừa đảo đem bán ở chợ đen bởi Li mang nhóm máu gấu trúc Rh (-).
Theo Beijing Youth Daily, khi trốn thoát khỏi nơi bắt cóc, Li nhập viện trong tình trạng tiên lượng rất xấu. Bệnh nhân không thể ngẩng đầu, phải ngồi xe lăn, thở khó nhọc, cơ thể sưng tấy, không thể đứng và thiếu máu trầm trọng. Người bệnh còn bị xơ gan và nhiều biến chứng nội tạng khác. Các dấu vết của việc lấy máu cũng xuất hiện dày đặc trên cánh tay, đầu người bệnh.
Để cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, các bác sĩ đã truyền 8 túi máu, tương đương 2,8 lít. Hiện tại, Li vẫn phải nằm viện trong thời gian dài để chờ hồi phục.
Những rủi ro đe doạ đến tính mạng vì máu hiếm
Người mang nhóm máu hiếm thường gặp nhiều rủi ro khi thực hiện các thủ tục y khoa như phẫu thuật, sinh nở, tỷ lệ tử vong cao hơn nếu gặp tai nạn. Các nhóm máu khác nhau tùy thuộc vào cấu tạo gene của cá nhân. Tại những khu vực trên thế giới, nhóm máu hiếm nhất và phổ biến nhất cũng khác nhau.
Ba nhóm máu hiếm ở Mỹ là AB-, chỉ gặp ở 0,6% dân số. Tiếp theo là B-, có trong 1,5% người dân Mỹ. Cuối cùng là AB, có ở 3,4% dân số Mỹ.
Một trong 4 nhóm máu quý hiếm nhất thế giới là Boombay. Theo các chuyên gia, cứ khoảng 4 triệu người mới có một người mang nhóm máu này.
Người đầu tiên được xác định có nhóm máu này phản ứng với những nhóm máu khác theo cách chưa từng thấy trước đây. Huyết thanh chứa kháng thể tấn công tất cả các tế bào hồng cầu có kiểu hình A, B, O thông thường. Họ có thể hiến tặng tế bào hồng cầu cho người có nhóm máu A, B, O, nhưng không thể nhận máu từ bất cứ ai trong nhóm này, chỉ có thể nhận máu từ người cũng mang nhóm máu Boombay.
Nguồn: CNN, Mosaic Science
Phát hiện sốc: Mặc quần áo ám khói của người nghiện thuốc lá cũng có thể mắc ung thưBản quyền thuộc phunuvietnam.vn