Dữ liệu của KOSTAT phản ánh sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong thị trường lao động, bất chấp sự phân biệt đối xử và định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. KOSTAT cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8/2024, trung bình mỗi tháng tại Hàn Quốc có 10,15 triệu phụ nữ được tuyển dụng.
Đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi cơ quan thống kê này bắt đầu tổng hợp dữ liệu về việc làm của phụ nữ hồi năm 1963. KOSTAT nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên con số vượt mốc 10 triệu và có khả năng sẽ được duy trì trong suốt thời gian còn lại của năm 2024.
Số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động tăng tỷ lệ thuận với mức độ tham gia của họ vào sự phát triển kinh tế của đất nước, từ 574.000 người hồi năm 1963 lên 1,14 triệu người trong năm 1973 và 9,97 triệu người vào năm 2023.
Số phụ nữ có việc làm đã tăng 17,7 lần từ năm 1963 đến năm 2023, trong khi số nam giới có việc làm tăng 6,6 lần. Phụ nữ hiện chiếm 46,1% trong số 22,02 triệu lao động được trả lương tại Hàn Quốc. Riêng trong năm 2023, khoảng 55,6% tổng số phụ nữ nước này tham gia lực lượng lao động.
Số phụ nữ tham gia kinh doanh cũng tăng. Số liệu thống kê từ tháng 1 đến tháng 8/2024 cho thấy, khoảng 1,72 triệu phụ nữ làm việc với tư cách là chủ doanh nghiệp hoặc người làm nghề tự do, chiếm 30,5% tổng số người kinh doanh. Trong khi đó, 9%-10% lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp nặng của Hàn Quốc, bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô, là phụ nữ.
Trên toàn quốc, trong các lĩnh vực học thuật, 23% lực lượng nghiên cứu là nữ. Trong số khoảng 49.000 nhà nghiên cứu chính (PI) đang theo đuổi các dự án nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc, có 17,7% là nữ.
Hàn Quốc đã khởi xướng các chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu nữ trong giai đoạn đầu sự nghiệp và các nhà nghiên cứu đã thành danh bằng các khoản tài trợ.
Việc tuyển dụng giáo sư nữ trong các lĩnh vực khoa học và đổi mới sẽ phải được tăng cường để đáp ứng nhu cầu của nhóm sinh viên nữ trong ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên không ngừng tăng lên trong 10 năm qua, cả ở bậc đại học và sau đại học.
Mặc dù có tiến bộ trong việc phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, Hàn Quốc vẫn cần nỗ lực hơn để thu hẹp khoảng cách giới về tiền lương. Nước này hiện xếp hạng cuối cùng trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về chỉ số bình đẳng giới trong tiền lương, với khoảng cách về tiền lương giữa nam và nữ là 31,2% trong năm 2022.
Điều này có nghĩa mức lương trung bình của phụ nữ Hàn Quốc chỉ bằng 68,8% mức lương của nam giới. Hàn Quốc là quốc gia thành viên duy nhất của OECD có khoảng cách giới về tiền lương vượt quá 30%, cao hơn 2,7 lần so với mức trung bình của OECD.
Trong báo cáo "Giáo dục tổng quan năm 2024", OECD phát hiện ra rằng mặc dù phụ nữ trẻ Hàn Quốc có trình độ học vấn cao hơn, tỷ lệ việc làm vẫn chênh lệch theo giới tính. 77% phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 đã nhận được giáo dục đại học vào năm 2023, so với tỷ lệ 63% ở nam giới cùng độ tuổi.
Tuy nhiên, tỷ lệ có việc làm ở nam giới là 83%, so với 76% phụ nữ. Sự chênh lệch về việc làm lớn hơn ở những người chỉ tốt nghiệp trung học. Phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 34 không có bằng đại học có tỷ lệ việc làm là 44%, so với 67% nam giới trong cùng nhóm.
Ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc tham gia thị trường lao động, tuy nhiên số phụ nữ ở vị trí ra quyết định còn thấp. Nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang tích cực lên tiếng để thay đổi điều này, một phần vì đạt được bình đẳng giới là vấn đề quan trọng đối với họ.
Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội già hóa nhanh chóng, Hàn Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ tạo ra một cấu trúc xã hội bền vững cho mọi người. Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật thúc đẩy hoạt động kinh tế của phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp vào năm 2008.
Đây là nỗ lực để đảm bảo rằng những phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp do nghỉ thai sản, sinh con, chăm sóc gia đình hoặc các lý do gia đình khác có thể quay trở lại thị trường lao động.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc giảm 30% tiền trợ cấp thôi việc cho những người lao động thường xuyên (giúp giảm tình trạng sa thải và tạo điều kiện phân bổ lại lao động) có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và tăng năng suất (lần lượt là 0,9 và lên đến 0,5 điểm phần trăm).
Các chính sách thu hẹp khoảng cách giới về giờ làm việc tại Hàn Quốc so với mức trung bình của OECD vào năm 2035 có thể thúc đẩy GDP bình quân đầu người của quốc gia này tăng 18%.
Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đã đề xuất Hàn Quốc nên áp dụng các biện pháp mới để giúp phụ nữ tiếp tục làm việc. "Chìa khóa" cho vấn đề này là làm cho việc chăm sóc trẻ em trở nên hợp lý hơn, giảm số giờ làm việc nhà hoặc cho phép lao động nữ sắp xếp làm việc linh hoạt.
"Tình trạng già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp dự báo sẽ làm giảm lực lượng lao động của Hàn Quốc. Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc", bà Gita nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn