So sánh với 'con người ta' hủy hoại cá tính của trẻ

15:15 | 22/01/2017;
Hội chứng 'con người ta' khiến nhiều cha mẹ vô tình hủy hoại cá tính của con, biến con thành con người khác.
Đứa trẻ nào cũng ghét bị bố mẹ so sánh với "con người ta". Ảnh minh họa internet.

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, sau quá trình dạy dỗ của cha mẹ, nhiều đứa trẻ đã thay đổi. Cha mẹ thử “soi” cách dạy dỗ của mình theo trắc nghiệm sau:

1. Từng nói với con: Con xem bạn A giỏi lắm nhé. Người ta là… mà mình là… Con nhìn bạn mà học tập đi! Điều này không chỉ hủy hoại cá tính của con mà còn khiến con nghĩ rằng bố mẹ rất ghét, rất thất vọng về con. Nhiều bé ức chế nghĩ: Tại sao bố mẹ không nhận "nó" làm con luôn đi.

2. Đã có lần mắng con: Tại sao con lại làm thế, con chẳng giống ai cả… Không giống ai thì đã sao nào? Con là chính con, là một mảnh ghép không thế thiếu được trong cuộc đời này. Vì thế, lý do gì mà bố mẹ cứ nói như vậy? Thế cứ bức tranh toàn màu vàng thì đẹp sao? Đa dạng các màu sắc mới tuyệt vời chứ.

3. Từng nói với con: Con hãy làm điều này đi. Tất cả mọi người cùng làm thế cả. Điều này sẽ khiến con nghĩ cứ điều gì cả đám đông làm là đúng cả. Đã có trường hợp đám đông xông vào đánh chết một con người chỉ vì họ phạm tội ăn trộm chó. Đám đông đó vi phạm pháp luật, tước đi mạng sống của 1 người. Đám đông đâu phải lúc nào cũng đúng.

Hay hỏi: Tại sao con không học thuộc lòng các bài đi, việc gì phải đọc sách nhiều thế, sao thắc mắc nhiều thế. Con thấy không, tất cả các bạn đều làm thế và các bạn có điểm rất cao. Con học kiểu này vừa tốn thời gian, điểm lại thấp, chẳng ra làm sao cả.

4. Khi làm sai một việc gì đó, con thắc mắc thì trả lời: Con thấy đó, chú nọ, cô kia cũng làm thế. Điều này khiến con có suy nghĩ, lần sau muốn làm sai, chỉ cần rủ đồng minh cùng sai là vô tư rồi. Lúc đó, sai sẽ biến thành đúng.

Ví dụ: Con thấy cha mẹ vượt đèn đỏ, con thắc mắc thì mẹ trả lời: Cô kia, chú kia cũng vượt thì mình vượt được mà con.

5. Khi con đang say mê làm một việc gì khác người, bố mẹ nhìn thấy lập tức ép con dừng lại, tuyệt đối phải chấm dứt và quên việc đó đi mặc dù việc khác người con làm không có gì sai trái. Hoặc con thích ăn mặc khác người một chút là mắng con tơi bời.

Nhiều cha mẹ hủy hoại cá tính của con, biến con trở thành nạn nhân của xu hướng đám đông. Ảnh minh họa intenret.

6. Con bộc lộ sở thích và đam mê trái với suy nghĩ của cha mẹ. Luôn trách móc và cấm đoán nếu con thích những thứ cha mẹ không thích. Nếu vậy thì con chỉ cần là bản sao của cha mẹ là được rồi?

Nhiều khi cha mẹ không đạt được ước mơ của mình cũng không có nghĩa là con phải làm việc đó. Mỗi người có một ý thích, một đam mê riêng.

Ví như, con đam mê âm nhạc, thích đàn hát, nhưng cha mẹ ghét nghề đó, chỉ thích con sau này làm giáo viên ngoan hiền và nhàn hạ. Cha mẹ cấm đoán con hát hò.

Hay, con trai thích nấu ăn. Cha mẹ cảm thấy việc đó không nam tính và không đem lại vinh quang cho gia đình. Vì thế, cha mẹ cấm đoán con, mắng mỏ khi con nấu nướng.

7. Khi con làm ra một sản phẩm gì đó theo sự tưởng tượng của bản thân, cha mẹ chê bai quá đà hoặc ca ngợi quá khiến con cảm thấy không thật. Con sẽ có cảm giác xấu hổ với sản phẩm của mình và không làm thêm nữa.

8. Cha mẹ tự động quyết định tương lai cho con mà không hỏi gì đến con. Cha mẹ tham khảo ý kiến của tất cả những người cha mẹ gặp và mang ý kiến tổng hợp đó về bắt con tuân theo. Việc chọn trường, lớp… của con là theo ý thích của cha mẹ, theo ý kiến áp đặt của những người xung quanh- con không được phép tham gia bàn luận việc này.

9. Cha mẹ không tôn trọng các ý kiến đóng góp của con về những việc trong gia đình. Cha mẹ không bao giờ hỏi ý kiến con, kể cả những việc có liên quan đến con.

10. Cha mẹ không tạo điều kiện để con được thử làm mọi việc. Việc gì cha mẹ cũng tự làm cho con. Mọi khả năng và cá tính của con sẽ thui chột dần theo sự bao bọc như vậy.

11. Để đỡ mất thời gian sống và trao đổi cùng con, cha mẹ đưa điện thoại, máy tính bảng cho con chơi. Con mất thời gian cho những vật hại não đó thay vì phát triển tính cách và năng lực riêng.

Nếu phạm phải 11 điều trên là cha mẹ đang hủy hoại cá tính riêng của con. Việc bắt con trở thành người khác, không được sống với cá tính, mong muốn, sở thích của mình, liệu con có hạnh phúc và sung sướng? Liệu con có thể thành công với sự sắp xếp của cha mẹ, dù con ghét điều đó? Cha mẹ đừng biến con trở thành nạn nhân của xu hướng đám đông.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn