Quá trình điều tra, Công an huyện xác định, trưa 21/6, ông T. mở cửa vào phòng làm việc chị L.A. và dùng sức mạnh ôm, giữ và khống chế nữ đồng nghiệp. Tiếp đó, ông T. hôn, cắn vào vùng môi của chị A., dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm”.
Tuy nhiên, cơ quan này xác định những hành động của ông T. “không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với chị A.”
Giải thích thêm về quyết định này, đại diện cơ quan công an huyện cho rằng vì trong phòng không có người thứ ba, không có nhân chứng nào nên không đủ cơ sở kết luận ông T. có ý định hiếp dâm.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội hiếp dâm là loại tội phạm có cấu thành hình thức, nghĩa là không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra trên thực tế.
Trong thực tế, những hành vi tấn công tình dục khi thủ phạm chưa thực hiện được hành vi giao cấu, việc xác định mục đích của chủ thể là khá phức tạp, đòi hỏi những biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu cũng như sự công tâm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Quấy rối tình dục nơi công sở, một hình thức nhẹ hơn rất nhiều so với tội hiếp dâm nhưng cũng đang bị xã hội cực lực lên án. Còn nhớ cách đây ít lâu, dư luận dậy sóng về vụ việc nữ vũ công Phạm Lịch đã tố huấn luyện viên Phạm Anh Khoa quấy rối cô. Phạm Anh Khoa cũng đã thừa nhận mình có một số lời nói hành động không hợp chuẩn dù không có dụng ý xấu.
Sự việc chỉ lắng xuống khi Phạm Anh Khoa đưa ra lời xin lỗi nghiêm túc hơn. Luật pháp các nước cũng có hình phạt bao gồm cả phạt tiền và phạt tù cho tội danh quấy rối tình dục. Nhưng đáng tiếc, ở nước ta lại chưa có tội danh này trong Bộ luật Hình sự.
Quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng với ông T. là chưa đủ mức độ nghiêm khắc. Từ những quy định của luật pháp đến thực tế áp dụng, cần có sự quyết liệt hơn để bảo về phụ nữ trước những hành vi tấn công tình dục...