Số vụ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành tăng, TP Hà Nội vẫn nói thấp

14:40 | 19/10/2018;
Trả lời phỏng vấn Báo PNVN, PGS.TS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho rằng: Ngay tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại vẫn có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, những con số báo cáo của thành phố lại thiếu chính xác.

Ông nhận xét gì về thực trạng bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái ở TP Hà Nội hiện nay?

Khi chúng tôi phối hợp với Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) để xây dựng và trình Thủ tướng về chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tôi thấy rằng tại Hà Nội, tình trạng phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực là đang có xu hướng gia tăng mà không giảm.

Nhưng tôi thấy báo cáo của TP Hà Nội về số vụ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại lại thường ít hơn so với thực tế. Đơn cử như việc tôi phụ trách theo dõi tình hình đuối nước ở trẻ em trên toàn quốc, thì số liệu cho thấy hàng năm Hà Nội có tỷ lệ trẻ em chết đuối rất cao, mỗi năm có khoảng 150 - 180 trẻ, nhưng khi báo cáo lên Bộ thì Hà Nội chỉ có báo có hơn 50 trẻ, đây là con số không thực. Thực tế thì Hà Nội đứng thứ 3 trên toàn quốc về tỷ lệ trẻ em chết đuối, cùng với hai địa phương khác là Nghệ An và Thanh Hóa. Nhưng mà báo cáo con số của Hà Nội lại luôn luôn thấp. Thực trạng này nói lên rằng vấn đề thu thập thông tin của TP Hà Nội về vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em hiện nay còn yếu, thiếu hụt cộng tác viên mạng lưới, do đó dẫn đến số liệu báo cáo thiếu tin cậy.

Video: PGS.TS Nguyễn Trọng An cho rằng truyền thông đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ trẻ em

Do đó, TP Hà Nội cần phải xem xét lại hệ thống đội ngũ bảo vệ trẻ em, phải làm sao để cho Luật Trẻ em khi đã đưa ra rồi thì phải được thực thi và giám sát thực thi tốt, trong đó quan trọng là tập trung và công tác phòng ngừa. Hiện nay dù Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực, TP Hà Nội cũng đang xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, song vẫn chưa có những chuyển biến có tính đột phá, đây là điều cần phải lưu ý.

Tôi lấy một ví dụ là vụ bé gái 3 tuổi bị hiếp dâm ở huyện Ba Vì (Hà Nội) từng gây phẫn nộ trong dư luận thời gian qua. Sau nhiều năm mòn mỏi đi tìm công lý cho đứa cháu 3 tuổi bị cụ ông hàng xóm hiếp dâm của thân nhân cháu bé, sau 2 cấp xét xử đều tuyên án tù đối với kẻ đồi bại. Tuy nhiên, kể từ khi tòa phúc thẩm tuyên án đến nay, kẻ phạm tội vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Câu hỏi đặt ra ở đây là do đâu?

Như trên ông vừa nói là những con số báo cáo về số vụ bạo hành phụ nữ và xâm phạm trẻ em của TP Hà Nội không phản ánh đúng thực tế, vậy nguyên nhân do đâu?

Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu là do sự chủ quan, hay đúng hơn là sự thiếu hụt mạng lưới đội ngũ để thu thập thông tin. Mạng lưới này không chỉ có trách nhiệm thu thập thông tin mà họ còn tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em đến từng gia đình.

Hiện nay, Hà Nội chưa xây dựng được mạng lưới này thực sự đồng bộ và chuyên nghiệp. Bởi chỉ khi có mạng lưới này thì họ sẽ có trách nhiệm thu thập thông tin từ các cấp cơ sở để báo cáo lên cấp xã, phường. Từ đó xã, phường báo cáo lên trên, rồi Sở LĐ-TB&XH mới có số liệu, còn như hiện nay thì sẽ không có số liệu chính xác.

Nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Có ý kiến cho rằng đa số trong các vụ bạo lực gia đình thì phụ nữ và trẻ em thường là những nạn nhân chính, do đó, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái thì phải bắt đầu từ môi trường gia đình. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

Tôi là thành viên của các hội đồng tư vấn về trẻ em, tôi từng phát biểu rất nhiều vấn đề này, tôi cho rằng môi trường gia đình là rất quan trọng, khi môi trường gia đình không được đảm bảo thì sẽ dẫn đến những xung đột, bạo lực mà nạn nhân thường là phụ nữ và trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em bao giờ cũng có sự gắn kết với nhau. Trong một gia đình, khi nói đến bạo lực gia đình thì người ta thường nghĩ đến người phụ nữ là bị chồng đánh đập, bố mẹ đánh con cái... Nhưng bạo lực gia đình còn có nội hàm rộng hơn thế. Bạo lực, bạo hành có thể là dùng vũ lực gây tổn thương về thể xác, song cũng có thể là bạo hành gây tổn thương về tinh thần.

pgs_nguyen_trong_an.jpg
PGS.TS Nguyễn Trọng An: "Vấn đề thu thập thông tin của TP Hà Nội về bảo vệ phụ nữ và trẻ em hiện nay còn yếu, thiếu hụt cộng tác viên mạng lưới, do đó dẫn đến số liệu báo cáo thiếu tin cậy".

Nếu như một gia đình mà có ông bố nghiện rượu, cờ bạc, gia đình nghèo đói, ly hôn... nói tóm lại là gia đình có những khiếm khuyết, thì gia đình đó rất dễ xảy ra bạo lực. Những người phụ nữ suốt ngày bị chồng chửi mắng, sỉ nhục, không muốn tiếp xúc với ai thì rất dễ dẫn đến kết quả là trầm cảm. Rồi từng có câu chuyện chồng đánh vợ, vợ lại dồn lên đứa con theo kiểu “giận cá chém thớt”, đứa trẻ trong gia đình ấy cũng rất dễ bị sang chấn, tổn thương về tâm lý, sau này phát triển không bình thường.

Hiện nay Hà Nội là địa phương đang xây dựng thí điểm mô hình thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, để thành công, TP Hà Nội cần những giải pháp gì để “gỡ rối”?

Thứ nhất, đó là chúng ta đã có luật pháp và chính sách về bảo vệ phụ nữ và trẻ em đã kiện toàn rồi, thì tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi theo đúng những gì pháp luật đã quy định. Trong đó, khâu giám sát việc thực thi luật là quan trọng nhất.

Thứ hai, cần phải tuyên truyền để nâng cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình bởi người mẹ đóng vai trò rất quan trọng cho gia đình. Hiện rất nhiều người cứ nghĩ rằng ông bố mới là trụ cột gia đình, nhưng khi bố đi làm xa nhà thì làm sao có thể chăm sóc cho con cái được. Do đó, vai trò người mẹ trở nên đặc biệt quan trọng. Những vấn đề này muốn làm tốt thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa.

bh.jpg
Ảnh minh họa

 

Thứ ba, phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Người đứng đầu phải giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc xảy ra liên quan đến bạo hành phụ nữ và trẻ em ở địa phương, cơ sở, cơ quan do mình quản lý. Nếu cô giáo bạo hành trẻ em, hiệu trưởng phải chị trách nhiệm. Nếu một phường xảy ra tình trạng phụ nữ bị bạo hành, người đứng đầu phường đó cũng phải có trách nhiệm.

Thứ tư, cần quan tâm đến trẻ em thực chất hơn. Hiện nay nhiều phường ở TP Hà Nội thiếu các khu vui chơi cho trẻ em. Tôi còn nhớ lời phát biểu của bà Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, đó là có những phường ở Hà Nội trong 3 năm liền xây dựng rất nhiều tòa nhà cao tầng, khách sạn, quán karaoke, nhà hàng, nhưng không xây dựng nổi một trường mầm non hay một sân chơi nào cho trẻ em. Tôi rất tâm đắc với câu phát biểu này rất thật này, mà đó cũng là thực trạng đấy.

Thứ năm, Hà Nội cần phải xây dựng được mạng lưới tư vấn, trợ giúp về tâm lý cho phụ nữ và trẻ em. Tôi lấy ví dụ như ở Nhật Bản, vấn đề tư vấn tâm lý cho người lao động và trẻ em được chính quyền nước họ rất coi trọng. Trước mỗi cơ quan, công ty bao giờ cũng có một người tư vấn tâm lý ngồi trước cửa. Khi thấy một công nhân đến công ty đi làm mà nét mặt buồn bã thì người này sẽ hỏi ngay là tại sao người công nhân đó lại buồn, gia đình có chuyện gì. Ví dụ như nếu người công nhân đó nói rằng hôm nay con tôi bị ốm và hôm nay con tôi phải đi bệnh viện mà tôi lại không có ở bệnh viện để chăm sóc cháu được thì người tư vấn sẽ bảo người công nhân đó trở về chăm sóc con. Người công nhân trong hôm đó vẫn sẽ được nhận nguyên lương như ngày đi làm bình thường. Họ làm thế để vừa đảm bảo dây chuyền sản xuất an toàn, không bị xảy ra sự cố vì sự thiếu tập trung của người lao động, song lại cũng vừa đảm bảo được vấn đề chăm sóc cho trẻ em.

Ở ta thì chưa làm được như người Nhật. Nhưng tôi cho rằng khi quy định pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em đã có rồi thì cần phải thực thi nghiêm minh, tránh để xảy ra như những vụ việc đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận như trong thời gian qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn