Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 22.797 trường hợp, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 8.797 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 14.000 ca.
Những ngày gần đây, số F0 tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng tại các quận huyện. Đặc biệt, hai ngày qua, số ca mắc mới ở mức hơn 1.300 ca/ngày. Đáng lưu ý, có trường hợp mắc bệnh nhiều ngày vẫn chưa được cấp thuốc hay theo dõi sát sao.
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - có những chia sẻ để hiểu rõ hơn về công tác điều trị, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hà Nội hiện nay.
- Ông có thể cho biết thành phố Hà Nội đã triển khai công tác điều trị F0 tại nhà như thế nào?
Ông Vũ Cao Cương: Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, dựa theo diễn biến tình hình dịch bệnh và Căn cứ Quyết định 4042/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.”
Thành phố xây dựng phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 trên địa bàn Thành phố và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện, đến ngày 16/12/2021 đã có hơn 1.000 trường hợp F0 quản lý, theo dõi tại nhà.
Đối tượng áp dụng: Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Những trường hợp mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn ≤ 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường; Không đang mang thai.
Bên cạnh đó, gia đình người bệnh đáp ứng các điều kiện: về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà như phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân… Người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Về thẩm quyền quyết định cách ly tại nhà: Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp xã, phường, thị trấn ra Quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế, quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người nhiễm COVID-19 sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà.
- Hiện nay, rất nhiều người quan tâm việc cấp phát thuốc điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 hiện nay như thế nào? Khi người bị nhiễm mong muốn có thuốc phải liên hệ với ai? Có phải trả phí không?
Ông Vũ Cao Cương: Hiện nay có 3 gói thuốc: Gói thuốc A (gồm có thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin), các túi thuốc này, kèm theo hướng dẫn sử dụng được phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà và do Trạm Y tế cấp phát.
Gói thuốc B: gồm có thuốc chống viêm Corticoid, thuốc chống đông chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sỹ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng).
Gói thuốc C: gồm các thuốc kháng virus: Molnupiravir, Favipiravir, đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát. Do đó để được sử dụng, người nhiễm COVID-19 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia chương trình, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Như vậy việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi quản lý tại nhà là do Trạm Y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (do Chính quyền địa phương thành lập) cấp phát, hiện nay các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định như trên và người bệnh có thể liên hệ với Trạm Y tế để được hướng dẫn cụ thể.
- Hiện nay, nhiều người dân quan tâm tới trách nhiệm đưa F0 thuộc diện phải đi điều trị là của ai thưa ông?
Ông Vũ Cao Cương: Theo quy định của Thành phố hiện nay việc vận chuyển F0 từ nhà đến các cơ sở thu dung điều trị tầng 1 (với các bệnh nhân nhẹ), vận chuyển bệnh nhân từ các cơ sở thu dung tầng 1 lên các tầng 2 và tầng 3 là do chính quyền địa phương phụ trách. Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 và các đơn vị khác trong ngành y tế của Thành phố sẽ đáp ứng vận chuyển những bệnh nhân nặng trong trường hợp quận, huyện, thị xã quá tải.
- Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý F0 tại Hà Nội được triển khai ra sao?
Ông Vũ Cao Cương: Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin truyền thông xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế đã phối hợp với đội ngũ y bác sĩ, các chuyên gia phần mềm để xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi F0 trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định về phân tầng, theo dõi, quản lý F0 tại nhà của Bộ Y tế.
Sở Y tế đã triển khai thí điểm tại quận Long Biên, triển khai tập huấn cho toàn bộ Trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn của Thành phố trong suốt 2 tuần vừa qua.
Đến nay, phần mềm đã quản lý 4.235 F0, trong đó có 1.164 F0 tại nhà. Ngay trong tuần này, phần mềm sẽ được đưa vào triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống y tế cơ sở, tiến tới quản lý toàn bộ số F0 trên địa bàn của thành phố.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn