Sở Y tế TPHCM lập Hội đồng chuyên môn làm rõ vụ bệnh nhân tố Bệnh viện FV

16:33 | 05/07/2018;
Liên quan đến vụ việc “Bệnh nhân phản ánh bệnh viện sáng nói không có thai, chiều ghi sảy thai” xảy ra tại Bệnh viện FV, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ lập Hội đồng chuyên môn để làm rõ.
Ngày 5/7, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định lại toàn bộ quy trình khám và điều trị của Bệnh viện FV đối với bệnh nhân N.T.M.C (ngụ TPHCM).
 
Việc thành lập Hội đồng chuyên môn là theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng như giúp có được kết luận chính xác vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Sở Y tế TPHCM cho biết, kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn sẽ được đưa lên cổng thông tin điện tử của Sở cũng nhưng thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí.
 
Liên quan đến vụ việc này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM đề nghị Bệnh viện FV xác minh rõ thông tin báo chí nêu, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm. Công khai thông tin và kết quả xác minh cho cơ quan truyền thông và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh trước ngày 3/7.
 
Sở Y tế TPHCM cho hay đã nhận được báo cáo của Bệnh viện FV. Tuy nhiên, thông tin báo cáo này được giữ kín, được cho là để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân.
 
 
Cụ thể, sáng 19/6, chị C. đến Bệnh viện FV (Q.7, TPHCM) để khám bệnh sau khi xuất hiện tình trạng mất máu bất thường trước đó. Tại đây, sau khi khám, bác sĩ kết luận chị C. không có thai nhưng có “dịch ứ” trong lòng tử cung. Sau đó, chị C. được chỉ định siêu âm tử cung và bác sĩ kết luận “kinh nguyệt nhiều và bất thường”.
 
Chị C. được bác sĩ ở đây kê toa thuốc gồm 10 viên Misoprostol Stada 200mg, uống 2 viên/lần và 1 viên Tranexamic acid tab 500mg để đẩy “dịch ứ” ra ngoài. Tuy nhiên sau khi sử dụng 2 viên Misoprostol Stada 200mg và 1 viên Tranexamic acid tab 500mg, đến chiều cùng ngày, chị C. bị đau bụng, tử cung co thắt dữ dội, phải uống thuốc giảm đau để hỗ trợ.
 
toa-thuoc.jpg
Toa thuốc chị C. đưa lên Facebook cá nhân cùng với những chia sẻ khi khám bệnh ở Bệnh viện viện FV. Ảnh Facebook Chau Nguyen.

 

 
“Không lâu sau đó, tôi đi vệ sinh ra 1 khối (cục) khoảng 5cm và máu bắt đầu ra âm ỉ. 23 giờ đêm, khi đang ngủ cùng con trai thì tôi bị băng huyết. Máu ra ướt đẫm cả băng vệ sinh, quần áo, giường chiếu và cả nền nhà. Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh thì máu chảy lênh láng khắp nền. Tôi bắt đầu choáng váng, xây xẩm hoa mắt và không còn nhìn rõ mọi vật xung quanh. Tôi nằm đó bất tỉnh và được chồng đưa tôi vào Bệnh viện FV cấp cứu”, chị C. chia sẻ.
 
Cũng theo chị C., chị được truyền 1,5 đơn vị máu có sẵn. Sau đi khám và đặt ống dẫn tiểu, bác sĩ chẩn đoán chị C. băng huyết do sảy thai.
 
“Tại sao lúc sáng bác sĩ nói tôi không có thai, chiều lại nói có thai. Lúc đó tôi bật khóc như một đứa trẻ trong đau đớn. Tôi từ chối kết quả đưa ra vì trong cùng 1 ngày, 1 bệnh viện, 1 phương pháp test không thể có việc đau lòng này được”, chị C. bức xúc.
 
Bệnh viện FV khẳng định, sau buổi họp Hội đồng chuyên môn sáng ngày 23/6, trong đó có cả bác sĩ đầu ngành sản phụ khoa ở phía Nam, đã kết luận bệnh viện đã xử trí đúng.
 
Thông tin chia sẻ cá nhân của người bệnh không đúng so với thực tế đã diễn ra, dù rằng bệnh nhân đã được các bác sĩ cung cấp thông tin và giải thích rất rõ nhưng bệnh nhân vẫn đưa ra những thông tin sai lệch, buộc bệnh viện phải chia sẻ lại để làm rõ.
 
Theo đó, kết luận của Bệnh viện FV là bệnh nhân M.C đã bị hư thai gây chảy máu trước khi nhập viện, kết quả siêu âm xác nhận không thấy thai, điều trị ngưng chảy máu bằng cách tháo lưu máu trong tử cung. Thực tế là kết quả xét nghiệm thử thai bằng nước tiểu ban đầu dù là dương tính cũng sẽ không thay đổi cách điều trị. Việc hư thai có thể là do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó. Đối với Bệnh viện FV, việc thăm khám và chữa trị bệnh nhân được thực hiện theo quy trình của bệnh viện và dựa trên các chứng thực của y khoa. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn