Tỉnh Sóc Trăng có dân số khoảng hơn 1,2 triệu người, là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 30,18% dân số, dân tộc Hoa chiếm 5,2% dân số, dân tộc khác chiếm 0,03% dân số.
Toàn tỉnh hiện nay có 1.911 người có uy tín, bao gồm nhiều thành phần như bí thư chi bộ; trưởng ban nhân dân ấp/khóm; cán bộ nghỉ hưu; người sản xuất; chức sắc tôn giáo và thành phần khác.
Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình - thật sự là "cánh tay" nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động quần chúng, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đóng góp xây dựng quê hương.
Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho biết, mỗi một người uy tín có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng nhân dân. Người có thế mạnh trong vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; người lại có thế mạnh cảm hóa, giáo dục phần tử xấu, tiêu cực, chậm tiến trong xã hội…
Tuy khác nhau về thế mạnh, nhưng bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người này đã đóng góp nhiều công sức trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó góp phần rất lớn trong tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.
Trong thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", theo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, đến nay, các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của Dự án 8 đề ra trong giai đoạn 1 (từ 2021 - 2025) đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, đã có 110 "Tổ truyền thông cộng đồng" được thành lập, duy trì (đạt 93% chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 1) với sự tham gia của 1.100 người có uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng đã tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho gần 400 người và nâng cao năng lực cho 300 người có uy tín tại cộng đồng.
Thông qua các hoạt động đã góp phần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, trưởng ban/bí thư ấp, chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy bình đằng giới ở vùng dân tộc thiểu số ở địa phương.
Cần phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng, trong quá trình thực hiện tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số với vai trò của người có uy tín, trưởng ban/bí thư ấp, chức sắc, chức việc tôn giáo vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, nội dung, hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín chưa linh hoạt, thiếu thường xuyên; một số đơn vị, địa phương cơ sở chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín đối với các hoạt động địa phương, nhất là trong hoạt động bình đẳng giới, có nơi giao hẳn cho Hội LHPN.
Việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới nhất là cập nhật, nâng cao kiến thức về giới. Bên cạnh đó, người uy tín được công nhận của Mặt trận Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa phần là các nhà sư, người tu hành, tuổi cao, sức khỏe kém… nên việc cập nhật kiến thức liên quan về giới còn một số hạn chế.
Ngoài ra, một số ít người có uy tín chưa phát huy tốt vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong cộng đồng và xã hội; chưa mạnh dạn tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp, những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; đôi lúc chưa kịp thời nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện tuyên truyền về bình đẳng giới cho người có uy tín trong cộng đồng. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thực hiện các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Đặc biệt, cần thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người có uy tín và gia đình trong quá trình thực hiện công tác vận động, góp phần động viên, khuyến khích những người có uy tín, an tâm, phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, kịp thời khen thưởng, biểu dương, động viên những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm khích lệ người có uy tín cống hiến, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn