Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Nhị, ngụ ấp Hòa Lộc 1, xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thuộc diện hộ nghèo. Bản thân chị Nhị phải vay tiền bên ngoài để mua rau cải tự đẩy xe đi bán để kiếm tiền nuôi con. Năm 2020, qua tìm hiểu và biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, chi hội trưởng phụ nữ ấp cùng với các chị trong Ban chấp hành Hội LHPN xã đã đã đến vận động chị tham gia vào sinh hoạt tổ, nhóm phụ nữ đang sinh hoạt định kỳ hàng tháng.
Sau đó, chị được giới thiệu tham gia vào dự án Quỹ phòng chống thiên tai và được hỗ trợ số vốn ban đầu 25 triệu đồng. Với số tiền này, chị Nhị sử dụng để buôn bán thực phẩm vừa để tăng thu nhập, cũng như thuận lợi cho việc chăm sóc con nhỏ. Công việc đã tạo thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuộc sống của gia đình chị ngày càng được cải thiện hơn và đã thoát nghèo vào năm 2021.
Trong khi đó, do xuất thân từ gia đình nông dân nên từ nhỏ chị Mã Thị Nhanh, ngụ xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) vốn đã quen với việc nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, do việc nuôi tôm gặp nhiều trở ngại nên kinh tế gia đình cũng vì thế mà khó khăn hơn. Tình hình đó đã thôi thúc chị phải đầu tư phát triển sinh kế để vươn lên cải thiện cuộc sống.
Chị Nhanh đã chủ động bàn bạc với chồng chuyển sang trồng màu trên bờ bao vuông tôm như cải xanh, cải ngọt, cải thìa… qua đó sử dụng hiệu quả diện tích đất bờ bao vuông nuôi tôm hơn 1.000 m2. Đến nay, chị đã thực hiện mô hình trồng màu trên bờ bao vuông tôm, mang lại hiệu quả cao. Với hình thức canh tác luân canh, gia đình chị có thu nhập từ 4-6 triệu đồng mỗi tháng.
"Để trồng hoa màu có hiệu quả cao, mình phải biết nhu cầu tiêu thụ của nhiều người, chọn những loại hoa màu có hiệu quả kinh tế. Lúc trước, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ trồng hoa màu nhiều năm qua mà cuộc sống gia đình dần ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn", chị Nhanh chia sẻ.
Tại xã Châu Hưng (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), chị Lê Thị Hồng Cẩm cũng là một trong những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, vươ.n ên thoát nghèo.
Trước đây, vốn dị cuộc sống của gia đình chị Cẩm vốn dĩ hết sức chật vật. Từ thực tế đó, chị luôn trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để cải thiện đời sống. Trong những buổi họp tổ phụ nữ chị luôn lắng nghe, tiếp thu những kinh nghiệm thực tế trong phát triển kinh tế từ các chị em hội viên.
Mạnh dạn tiếp thu, đúc kết các kinh nghiệm, chị đã tận dụng ngay mảnh đất xung quanh nhà để trồng một vài loại rau cải để bán. Sau đó, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn mở rộng trồng nhiều loại hoa màu hơn như: cải xà lách, cải xanh, rau thơm, rau mống, rau diếp cá, đậu bắp…
Ngoài ra, chị còn đầu tư chuồng để nuôi 2 heo nái sinh sản, gây đàn nuôi heo lấy thịt. Ban đầu, quá trình trồng trọt, chăn nuôi gặp không ít khó khăn do vốn ít, thiếu kinh nghiệp. May mắn, sau đó chị được tham gia lớp dạy nghề nông thôn về kỹ thuật chăn nuôi heo của Hội Phụ nữ phối hợp với ngành chuyên môn, áp dụng vào thực tiễn nên hiệu quả ngày càng cao hơn. Nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng phát triển ổn định.
Hiện gia đình chị Cẩm đã thoát cảnh khó khăn, vươn lên khá giàu nhờ vào sự đầu tư đúng hướng. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, chị còn gương mẫu trong thực hiện các phong trào tại địa phương. Ngoài chăm lo công việc trong gia đình, chị còn luôn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho hội viên, phụ nữ còn khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn