Chương trình diễn ra tại trường THCS Thạnh Thới huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng với sự tham gia của hơn 600 phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Chương trình gồm nhiều hoạt động cụ thể, ý nghĩa. Trong đó, nổi bật là hoạt động đưa nghệ thuật sân khấu về với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua vở kịch nói "Đừng im lặng" có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng từ TPHCM đã cung cấp kiến thức, hướng dẫn phụ nữ, trẻ em biết bảo vệ bản thân trước nạn bạo hành gia đình và mang đến cách nhìn đúng đắn, thực tế hơn về các nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình... Đồng thời chuyển tải các thông điệp về văn hóa ứng xử, sự yêu thương, sẻ chia, cùng chung tay vun đắp gia đình bình an, xây dựng xã hội hạnh phúc.
Phiên tòa giả định được tổ chức tại chương trình giúp phụ nữ, người dân và học sinh dân tộc thiểu số được trải nghiệm thực tế và hiểu rõ hơn các kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực học đường.
Cùng với đó, Chương trình "Tiếp sức cho em đến trường" và "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", trao tặng 61 suất học bổng toàn phần (trị giá 80 triệu đồng) và phương tiện học tập cho các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường THCS Thạnh Thới An; 16 sinh viên, học sinh lớp 12 và trẻ em mồ côi vượt khó học giỏi của tỉnh Sóc Trăng được tặng sổ tiết kiệm - học bổng toàn phần và sinh hoạt phí năm học 2023 - 2024 (10 triệu đồng/sổ tiết kiệm, 5 triệu đồng/suất học bổng); 100 phần quà thiết thực hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 100% hộ nghèo của xã Thạnh Thới An.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 600 triệu đồng góp phần cùng với địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nữ sinh Trịnh Thị Lý Phụng - Đại học An Giang - chia sẻ, cũng như những gia đình các bạn học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, em biết rằng học tập gần như là con đường duy nhất và tốt nhất để chúng em xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Những tưởng cánh cửa giảng đường đại học đã khép lại vì gia đình chúng em quá khó khăn. Nhờ sự quan tâm của những tấm lòng vàng đã tiếp sức cho chúng em cả về vật chất và tinh thần giúp chúng em phấn đấu vươn lên vì ngày mai tươi sáng.
"Chúng em nguyện nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện bản thân, góp phần nhỏ bé của mình trở về xây dựng quê hương, để không phụ lòng những tình cảm và sự quan tâm của những người "Mẹ đỡ đầu", các cô chú nhà hảo tâm", Lý Phụng nói.
Trong khuôn khổ chương trình, phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn được tham gia Ngày hội Vui đọc sách" hoạt động phim hoạt hình và tham quan không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thông Dự án 8.
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban công tác phía Nam - Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Chương trình trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2023 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm chung tay sẻ chia, chăm lo thiết thực về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn, tiến bộ hơn.
Các hoạt động của chương trình góp phần nâng cao kiến thức để phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi "thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng"; thiết thực chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn