Theo đó, cách đây ít ngày, ông Bùi Đăng T. (58 tuổi, trú xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) đến bệnh viện Đại học Y khoa Vinh để thăm khám trong tình trạng đau hông lưng bên trái, tiểu buốt tái phát, tiểu lắt nhắt ngày một nhiều hơn.
Điều tra tiền sử của bệnh nhân, ông T. cho biết, ông đã phát hiện sỏi từ lâu nhưng không muốn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nên đã tìm đến thuốc lá cây để chữa bệnh.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán ông T. có sỏi san hô phức tạp ở thận trái kích thước lớn và được chỉ định mổ mở lấy sỏi thận. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra viên sỏi san hô với kích thước 12x6cm. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe người bệnh đã dần ổn định, phục hồi tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo Bác sĩ CKI. Nguyễn Viết Tuấn (Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh) cho biết: "Sỏi san hô là loại sỏi chiếm toàn bộ hoặc một phần của bể thận và đài thận, tạo thành hình ảnh như nhánh san hô hoặc củ gừng. Sỏi thận san hô ít gây triệu chứng đau tức nên khi phát hiện thì sỏi đã lớn. Sỏi thận san hô nếu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng như: nhiễm khuẩn niệu nặng do sỏi, suy thận, nhiễm độc toàn thân, từ đó dẫn đến tử vong".
Cũng theo bác sĩ Tuấn, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi bị đau vùng thắt lưng hoặc tiểu máu, tiểu buốt người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà. Siêu âm thận, chụp Xquang ổ bụng là phương pháp cận lâm sàng cơ bản giúp phát hiện sỏi đường tiết niệu. Bởi, nếu không điều trị sỏi sẽ tàn phá làm mất chức năng thận, gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng của người bệnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn