Sôi nổi thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội

14:50 | 08/03/2017;
Ngày 8/3, tiếp tục chương trình làm việc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, các đại biểu chia nhóm thảo luận về dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo điều lệ Hội LHPN VN sửa đổi bổ sung và Đề án nhân sự Ban chấp hành TƯ Hội LHPN VN khóa XII.

Ở các tổ, các đại biểu thể hiện tinh thần nhất trí cao với Đề án nhân sự và sôi nổi thảo luận góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo điều lệ Hội LHPN VN sửa đổi bổ sung.

Tại tổ thảo luận của các đại biểu thuộc Hiệp hội Nữ doanh nhân, Hội nữ trí thức, Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và lực lược vũ trang, bà Cao Thị Ngọc Dung (Hiệp hội Nữ doanh nhân VN), cho rằng: Dự thảo văn kiện Đại hội lần này có điểm rất mới là đã nhấn mạnh tới vị trí, vai trò của Hội Nữ trí thức và Hiệp hội nữ doanh nhân với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đại biểu này cũng kiến nghị, trong nhiệm kỳ tới, cần nhấn mạnh hơn nữa tới các hoạt động phối hợp, chương trình hành động và sự gắn kết của 2 tổ chức Hội thành viên này. “Hội Nữ trí thức hỗ trợ chị em nông dân; các nữ doanh nhân hỗ trợ đưa các công trình nghiên cứu của nữ trí thức vào cuộc sống để tạo ra các chuỗi giá trị và tất cả chị em cùng có sự phát triển”, bà Dung nói.

img_9480.JPG
 Các đại biểu tại buổi thảo luận

Hưởng ứng ý kiến này, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, cho biết: Hội đang hướng tới hoạt động khởi nghiệp cho phụ nữ bằng các lớp đào tạo, truyền cảm hứng cho chị em về khởi nghiệp. Đồng thời cũng cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, phối hợp giữa nữ trí thức và doanh nhân, nông dân bằng các chương trình cụ thể, qua đó tăng sự kết nối, hợp tác giữa các thành viên, phụ nữ.

Góp ý về phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, đại biểu Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM, nhấn mạnh vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Theo bà Hiền, ngoài giám sát về luật, chương trình, đề án theo Quyết định 217, Hội LHPN Việt Nam cần mở rộng giám sát những chuyên đề, vấn đề nóng trong xã hội, đặc biệt những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Ví dụ, giám sát việc thực hiện của chính quyền địa phương đối với vấn đề phòng chống bạo hành phụ nữ, trẻ em; giám sát về cường độ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi của nữ công nhân.

thao-luan.JPG
 Đại biểu Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM, phát biểu trong buổi thảo luận

Việc tổ chức giám sát và phản biện xã hội không chỉ có cán bộ Hội các cấp mà có thể mời thêm các thành phần khác tham gia như nữ trí thức, nữ luật sư, nữ nhân sĩ... Bên cạnh đó, Hội LHPN VN nên tạo điều kiện cho Hội nữ trí thức phát triển hội viên trong các lĩnh vực ngành nghề như giáo chức, y tế, công chức, viên chức; mời Hội nữ trí thức tham gia xây dựng các dự án luật, pháp luật, nghị định; tạo điều kiện cho Hội nữ trí thức tham gia giám sát, phản biện xã hội.

 Các đại biểu cũng tham gia đóng góp cho các chỉ tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội, cho rằng dự thảo đưa ra “hàng năm, mỗi cơ sở Hội tổ chức ít nhất 02 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ” (chỉ tiêu 2) vẫn còn thấp và chưa cụ thể. Bà Tuyết lý giải, mỗi năm có 4 kỳ sinh hoạt hội viên, ngoài ra còn có các kỳ sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Đảng... nên việc đưa chỉ tiêu tối thiểu 2 là chưa tương ứng với thực tế. Theo bà Tuyết, cần xác định tỷ lệ hội viên phụ nữ trên địa bàn được tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống.

chi-tuyet.JPG
 Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội, phát biểu

Tương tự chỉ tiêu 7, dự thảo đưa ra “100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội ít nhất 03 lần/nhiệm kỳ; 100% chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất 01 lần/nhiệm kỳ” cũng cần nâng cao. Bà Tuyết đề nghị: “Theo tôi, cán bộ Hội chuyên trách cần được bồi dưỡng ít nhất 1 năm 1 lần để cập nhật những chủ trương, chính sách mới, định hướng chỉ đạo của Trung ương, Hội cấp trên. Với các chi hội trưởng, đề nghị chỉ tiêu nâng lên ít nhất 2 lần được bồi dưỡng nghiệp vụ vào đầu và cuối nhiệm kỳ. Với Hà Nội hằng năm, các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ phụ nữ đều được tập huấn bồi dưỡng kiến thức.”  

Liên quan đến chỉ tiêu 5 hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, đại biểu Phạm Thị Bé Năm, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), cho rằng, Hội LHPN VN cần có nhiều chính sách cụ thể hơn nữa hỗ trợ những phụ nữ có mô hình làm kinh tế nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn. Theo bà Năm, hiện Ngân hàng chính sách xã hội mới chỉ hỗ trợ nguồn vốn cho phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo. Với phụ nữ không thuộc đối tượng này nhưng có mô hình kinh tế hiệu quả vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh đó các đại biểu cũng đề cập đến Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch với nhiều đề xuất để phát huy tốt hơn nữa cuộc vận động này. Theo các đại biều, trong thời gian qua, tại nhiều địa phương, Cuộc vận động mới chỉ tập trung tiêu chí sạch ở trong gia đình, khuôn viên. Thời gian tới cần mở rộng tiêu chí sạch ở trong khu dân cư và các quy trình sản xuất sạch. Có ý kiến đề nghị nên xây dựng thành một Đề án 5 không 3 sạch cụ thể tương tự như những đề án TƯ Hội đã xây dựng và được phê duyệt thực hiện...

Bên cạnh đó, các đại biểu ở tổ cũng nêu lên các kiến nghị đề xuất vào báo cáo chính trị Đại hội về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình; các chính sách hỗ trợ phụ nữ…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn