Sỏi túi mật là gì? 8 điều cần biết về sỏi túi mật

08:42 | 23/09/2021;
Sỏi túi mật là một trong những căn bệnh được khá nhiều người quan tâm, nhất là về phương pháp điều trị.

Sỏi túi mật có thể có kích thước nhỏ như một hạt cát hoặc lớn như một quả bóng golf. Đôi khi, bạn không thể biết mình mắc bệnh sỏi túi mật cho đến khi chúng làm tắc ống mật; gây ra những cơn đau cần được điều trị ngay lập tức. Vậy sỏi túi mật có nguy hiểm không, sỏi túi mật nên ăn gì, phác đồ điều trị sỏi túi mật ra sao?

1. Sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật là những mảnh vật chất rắn hình thành trong túi mật - một cơ quan nhỏ dưới gan. Nếu bạn có các mảnh rắn trong túi mật, bác sĩ có thể chẩn đoán rằng bạn bị sỏi đường mật (hay còn gọi là sỏi mật).

Túi mật có chức năng lưu trữ và giải phóng dịch mật – một loại chất lỏng được tạo ra ở gan, để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Mật cũng chứa khá nhiều các chất thải như bilirubin và cholesterol, chất mà cơ thể tạo ra khi phá vỡ các tế bào hồng cầu; những thứ này có thể hình thành nên sỏi túi mật.

2. Nguyên nhân

Theo Harvard Health Publications, 80% sỏi mật được tạo thành từ cholesterol; 20% sỏi mật khác được tạo thành từ muối canxi và bilirubin.

Hiện vẫn không xác định được chính xác nguyên nhân hình thành sỏi túi mật, tuy nhiên cũng có một số giả thuyết được các chuyên gia đặt ra như sau:

2.1. Túi mật chứa nhiều cholesterol

Trong mật có quá nhiều cholesterol cũng có thể dẫn đến các viên sỏi màu vàng trong túi mật. Những viên sỏi rắn này có thể hình thành nếu như gan tạo ra cholesterol nhiều hơn so với lượng mà túi mật có thể hòa tan.

Hiểu về sỏi túi mật: Phân loại, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 2.

Hiện vẫn không xác định được chính xác nguyên nhân hình thành sỏi túi mật - Ảnh: consultqd

2.2. Túi mật chứa nhiều bilirubin

Bilirubin là một chất hóa học được tạo ra khi gan của bạn phá hủy các tế bào hồng cầu cũ. Khi gan gặp tổn thương, gặp một số rối loạn về máu khiến lượng bilirubin sản xuất nhiều hơn bình thường cũng có thể gây ra sỏi túi mật. Sỏi túi mật sẽ hình thành khi túi mật không thể phân hủy được bilirubin dư thừa. Và thường trong trường hợp này, sỏi sẽ có màu nâu sẫm hoặc đen.

2.3. Dịch mật cô đặc do túi mật đầy

Thông thường, túi mật phải điều tiết hết dịch mật để hoạt động bình thường. Nếu không làm hết được dịch mật, mật sẽ trở nên quá đặc và hình thành sỏi.

3. Triệu chứng sỏi túi mật

Người mắc bệnh sỏi túi mật có thể có triệu chứng nhận biết hoặc không có các dấu hiệu cụ thể, và chỉ được phát hiện khi khám bệnh định kỳ.

3.1. Trường hợp có triệu chứng sỏi túi mật

Sỏi túi mật có thể dẫn đến tình trạng đau ở vùng bụng trên bên phải. Người bị sỏi túi mật có thể bắt đầu cảm nhận được bị đau túi mật theo thời gian khi họ ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo. Cơn đau thường không kéo dài quá lâu, khoảng vài giờ đồng hồ.

Ngoài ra, người bị sỏi túi mật cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như: buồn nôn, nước tiểu đậm, đau bụng, phân có màu đất sét, ợ hơi, khó tiêu, tiêu chảy. Những triệu chứng sỏi túi mật này còn được gọi là đau bụng mật.

Hiểu về sỏi túi mật: Phân loại, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 3.

Người mắc bệnh sỏi túi mật có thể có triệu chứng nhận biết hoặc không có các dấu hiệu cụ thể - Ảnh: apollospectra

3.2. Sỏi mật không triệu chứng

Cần phải hiểu rõ rằng, bản thân sỏi mật không gây đau. Cơn đau sẽ xảy ra khi các viên sỏi chặn sự di chuyển của dịch mật trong túi mật.

Theo American College of Gastroenterology, 80% người mắc bệnh sỏi túi mật mà không có triệu chứng nào. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh không có dấu hiệu đặc trưng hoặc không bị đau. Những trường hợp này thường được phát hiện khi chụp X-quang.

4. Các biến chứng của sỏi túi mật

Tuy là căn bệnh đến 80% không gây ra các triệu chứng, tuy nhiên sỏi túi mật có nguy hiểm không lại là thắc mắc của rất nhiều người. Dưới đây là một số biến chứng và rủi ro về lâu dài của căn bệnh sỏi túi mật:

4.1. Viêm túi mật cấp tính

Khi những viên sỏi làm tắc ống dẫn dịch mật di chuyển từ túi mật, tình trạng này có thể gây nhiễm trùng hoặc viêm túi mật. Hay còn gọi là viêm túi mật cấp tính, đây là trường hợp cần được cấp cứu khẩn cấp.

Tuy nhiên, may mắn là nguy cơ phát triển tình trạng viêm túi mật cấp tính do sỏi mật chỉ chiếm 1-3%. Các triệu chứng của viêm túi mật cấp tính bao gồm: đau dữ dội ở bụng trên, sốt, chán ăn, nôn ói. Hãy đi khám ngay lập tức nếu triệu chứng kể trên kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ hoặc bạn bị sốt cao.

4.2. Các biến chứng khác

Sỏi túi mật nếu không được điều trị có thể gây ra một số biến chứng như:

- Vàng da hoặc vàng mắt

- Nhiễm trùng túi mật, viêm túi mật

- Viêm đường mật, nhiễm trùng ống mật

- Nhiễm trùng máu

- Viêm tuyến tụy

- Ung thư túi mật

5. Các yếu tố nguy cơ của sỏi túi mật

Theo các nghiên cứu, nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh sỏi túi mật liên quan đến chế độ ăn uống và một số yếu tố không thể kiểm soát được như giới tính, tuổi tác, tiền sử bệnh gia đình.

Hiểu về sỏi túi mật: Phân loại, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 4.

Nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh sỏi túi mật liên quan đến chế độ ăn uống - Ảnh: tribune

5.1. Các yếu tố nguy cơ về lối sống

Các yếu tố nguy cơ về lối sống có thể gây nên bệnh sỏi túi mật phải kể đến như:

- Thừa cân hoặc béo phì

- Chế độ ăn giàu chất béo hoặc cholesterol và ít chất xơ

- Giảm cân nhanh chóng trong thời gian ngắn

- Mắc bệnh tiểu đường

5.2. Các yếu tố rủi ro không kiểm soát được

Các yếu tố rủi ro gây bệnh sỏi mật không kiểm soát được bao gồm:

- Giới tính nữ

- Có tiền sử gia đình bị sỏi mật

- 60 tuổi trở lên

5.3. Các yếu tố nguy cơ y tế

Các yếu tố nguy cơ y tế gây bệnh sỏi túi mật bao gồm:

- Mắc bệnh xơ gan

- Phụ nữ đang mang thai

- Dùng một số loại thuốc để giảm cholesterol

- Dùng thuốc có hàm lượng estrogen cao

Mặc dù các loại thuốc kể trên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật nhưng bạn không nên ngưng dùng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.

6. Chẩn đoán sỏi túi mật

Các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe bằng cách kiểm tra màu mắt và da để phát hiện sớm sự thay đổi màu sắc. Nếu màu da hơi vàng, có thể bạn mắc bệnh vàng da – kết quả của việc túi mật chứa quá nhiều bilirubin.

Hiểu về sỏi túi mật: Phân loại, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 5.

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để đo lượng bilirubin trong máu - Ảnh: myhealthchampion

Các kiểm tra bác sĩ có thể chỉ định bao gồm:

Siêu âm: Siêu âm có thể nhìn thấy hình ảnh trong bụng của người bệnh. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông dụng nhất để xác định bệnh sỏi túi mật. Kỹ thuật siêu âm cũng có thể cho thấy một số bất thường khác, chẳng hạn như viêm túi mật cấp tính.

Chụp CT bụng: CT vùng gan và vùng bụng có thể giúp chẩn đoán sỏi túi mật thông qua hình ảnh.

Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để đo lượng bilirubin trong máu. Các xét nghiệm cũng giúp xác định xem gan hoạt động có tốt hay không.

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): ERCP là một trong những thủ thuật sử dụng máy ảnh và tia X để kiểm tra các vấn đề ở tuyến tụy và đường mật. Thủ thuật này giúp bác sĩ xác định được vị trí sỏi mật trong ống mật.

7. Phác đồ điều trị sỏi túi mật như thế nào?

Thông thường, người bệnh không cần điều trị sỏi túi mật nếu chúng không khiến bạn đau đơn. Đôi khi, bạn có thể vượt qua bệnh sỏi túi mật mà không hề hay biết. Còn nếu sỏi túi mật khiến bệnh nhân bị đau, bác sĩ có thể sẽ phải đề nghị phẫu thuật. Ngoài ra, trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho người bệnh.

7.1. Điều trị tự nhiên và biện pháp khắc phục sỏi túi mật tại nhà

Nếu bị sỏi mật và không có triệu chứng, người bệnh có thể thực hiện thay đổi trong lối sống để giúp điều trị căn bệnh này một cách tự nhiên, bao gồm:

- Duy trì cân nặng hợp lý

- Tránh việc giảm cân nhanh chóng

- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu trái cây và rau củ

- Tập thể dục thường xuyên

- Hãy uống thuốc và các loại thực phẩm chức năng theo kê đơn của bác sĩ

Hiểu về sỏi túi mật: Phân loại, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 6.

Phác đồ điều trị sỏi túi mật như thế nào? - Ảnh: news-medical

7.2. Điều trị sỏi túi mật bằng phẫu thuật

Bác sĩ có thể sẽ phải chỉ định thực hiện cắt túi mật bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đây là một phẫu thuật khá phổ biến và người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch 3-4 đường nhỏ trên bụng của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị nhỏ vào bên trong thông qua các vết rạch để loại bỏ túi mật.

Sỏi túi mật kích thước bao nhiêu thì phải mổ cũng là quan tâm của khá nhiều người. Các chuyên gia cho biết, sỏi túi mật có kích thước trên 10mm sẽ được xem xét phẫu thuật. Tuy nhiên, việc phẫu thuật sỏi túi mật còn dựa trên nhiều đánh giá khác.

Thông thường, người bệnh có thể về nhà ngay ngày hôm sau nêu phẫu thuật không có biến chứng.

7.3. Điều trị sỏi túi mật phi phẫu thuật

Việc điều trị sỏi mật bằng thuốc không còn phổ biến nữa vì phẫu thuật nội soi hiện nay khá ít rủi ro và người bệnh sẽ mau chóng phục hồi sau khi thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên, nếu bác sĩ xác định không thể phẫu thuật, bạn có thể sẽ được kê thuốc uống giúp làm tan sỏi mật. Thuốc có thể giúp làm tan sỏi khi sử dụng vài năm và sỏi mật có thể hình thành trở lại khi người bệnh ngừng điều trị.

Ngoài ra, tán sỏi túi mật bằng sóng xung kích cũng là một lựa chọn trong điều trị. Máy bắn sỏi mật là một loại máy tạo ra sóng xung kích truyền qua cơ thể người. Những tia sóng xung kích này có thể làm vỡ sỏi túi mật thành những mảnh nhỏ hơn.

8. Bị sỏi túi mật nên ăn gì?

Hiểu về sỏi túi mật: Phân loại, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh 7.

Bị sỏi túi mật nên ăn gì? - Ảnh: medicalnewstoday

Để giúp cải thiện tình trạng bệnh sói túi mật và giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi, người bệnh hãy thử áp dụng chế độ ăn như sau:

- Nên giảm lượng chất béo có trong đồ ăn. Người mắc bệnh sỏi túi mật nên tránh ăn đồ chiên rán và nhiều dầu mỡ.

- Người bị sỏi túi mật nên ăn chế độ ăn nhiều chất xơ để làm tăng nhu động ruột.

- Hạn chế tối đa đồ ăn và thức uống có thể gây tiêu chảy

- Nên uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 6 – 8 ly.

- Nếu có kế hoạch giảm cân, hãy thực hiện một cách từ từ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn