Sỏi tuyến nước bọt là tình trạng sỏi hình thành trong tuyến nước bọt hoặc ống dẫn nước bọt, chặn dòng chảy của nước bọt. Những viên sỏi này thường được tạo thành từ canxi phosphat và hydroxyapatite. Các triệu chứng đau và sưng mặt có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên.
Chúng ta có 3 tuyến nước bọt: tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Sỏi tuyến nước bọt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ tuyến nước bọt nào. Tuy nhiên, hơn 80% tất cả các loại sỏi tuyến nước bọt hình thành trong tuyến dưới hàm và ảnh hưởng đến ống Wharton (nơi tuyến dưới hàm của bạn đổ nước bọt vào miệng).
Các triệu chứng của bệnh sỏi tuyến nước bọt thường trở nên tồi tệ hơn khi bạn ăn và sau đó giảm dần sau vài giờ sau bữa ăn. Điều này là do việc nhai kích thích tuyến nước bọt của bạn sản xuất nước bọt, nước bọt bị ứ đọng trong tuyến do sỏi cản trở. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sưng tuyến nước bọt
- Khó nuốt
- Khó mở miệng
- Khô miệng
- Mùi vị lạ
- Một cục u đau dưới lưỡi
- Đau hoặc sưng mặt, thường ở dưới hàm hoặc quanh tai.
Trong một số trường hợp, những người mắc bệnh sỏi tuyến nước bọt không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Một cách khác để biết bạn có sỏi nước bọt hay không là nhìn vào bên trong miệng tại lỗ mở của ống dẫn nước bọt. Nếu sỏi ở gần lỗ mở, bạn sẽ có thể nhìn thấy sỏi màu vàng hoặc vàng nâu. Nếu sỏi không ở gần lỗ mở, bạn có thể cảm nhận được sỏi nếu bạn sờ dọc theo ống dẫn.
Có những người bị sỏi tuyến nước bọt với nguyên nhân không rõ ràng. Tuy nhiên, một số tình trạng sau có thể khiến nước bọt đặc lại và gây sỏi tuyến nước bọt:
- Mất nước
- Các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh lupus và hội chứng Sjögren
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
- Hút thuốc
- Chấn thương tuyến nước bọt.
- Xạ trị ở miệng
Sỏi tuyến nước bọt có thể gây đau đớn.
Mặc dù chúng thường không gây hại cho sức khỏe của bạn. Nhưng bạn có thể phát triển các vấn đề nghiêm trọng hơn, như nhiễm trùng từ sỏi nước bọt. Nếu sỏi nước bọt bị kẹt trong thời gian dài, vi khuẩn có thể tích tụ trong ống dẫn bị tắc. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và áp xe.
Nhiễm trùng có thể dẫn đến tổn thương lâu dài bên trong tuyến nước bọt. Nếu bị nhiễm trùng, tuyến nước bọt có thể bị sẹo và ngừng hoạt động.
Có nhiều biện pháp điều trị sỏi tuyến nước bọt. Tin vui là hầu hết các trường hợp có thể điều trị sỏi tuyến nước bọt tại nhà.
Có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp phá vỡ sỏi nước bọt, đặc biệt nếu chúng nhỏ và bạn có thể nhìn thấy chúng gần lỗ ống dẫn, bao gồm:
+ Uống nhiều nước: Duy trì đủ nước giúp phá vỡ sỏi nước bọt và ngăn ngừa chúng hình thành lại.
+ Ăn trái cây họ cam quýt: Trái cây họ cam quýt chua khiến tuyến nước bọt của bạn hoạt động quá mức. Nước bọt dư thừa có thể đẩy sỏi ra khỏi ống dẫn và rơi ra miệng. Bạn có thể thử ăn chanh và bưởi.
+ Xoa bóp tuyến nước bọt và ống dẫn nước bọt: Xoa bóp nhẹ nhàng tuyến nước bọt và ống dẫn của bạn nhiều lần trong ngày. Bạn nên nhẹ nhàng đẩy viên sỏi dọc theo ống dẫn về phía lỗ mở trong miệng của bạn.
+ Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen (Tylenol) và ibuprofen (Motrin) có thể giúp làm dịu cơn đau, sự khó chịu và sưng tấy do sỏi tuyến nước bọt. Chúng sẽ không giúp loại bỏ sỏi, nhưng chúng sẽ giúp bạn thoải mái và giảm cảm giác đau.
* Lưu ý: Nếu bạn có thể nhìn thấy sỏi, đừng cố gắng loại bỏ nó. Bạn có thể muốn dùng nhíp để lấy nó ra. Nhưng điều này có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng và nhiễm trùng. Thay vào đó, hãy tiếp tục sử dụng các phương pháp trên. Và nếu nó vẫn không tự bật ra sau vài ngày, bạn nên đến bệnh viện để được xử lý.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị các phương pháp điều trị theo toa để giúp bạn loại bỏ sỏi nước bọt.
Sialogogues là thuốc theo toa có tác dụng giúp tuyến nước bọt tiết nhiều nước bọt hơn. Thuốc này giúp đẩy sỏi ra khỏi ống dẫn. Thuốc sialogogue được sử dụng phổ biến nhất là pilocarpine.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cần dùng thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng tuyến nước bọt do sỏi nước bọt. Hầu hết mọi người cần dùng thuốc kháng sinh từ 3 đến 4 lần một ngày trong 7 đến 10 ngày. Các loại thuốc kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất cho nhiễm trùng tuyến nước bọt bao gồm: Dicloxacilin, thuốc Cephalexin, amoxicillin/clavulanate, thuốc Clindamycin.
Nếu các phương pháp điều trị tại nhà và theo toa không đủ, bác sĩ có thể yêu cầu lấy sỏi nước bọt. Có nhiều cách khác nhau để loại bỏ sỏi nước bọt, bao gồm:
+ Tưới rửa: Phương pháp này sử dụng nước vô trùng để rửa sạch sỏi.
+ Tán sỏi: Thủ thuật y khoa này phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ hơn. Những mảnh nhỏ hơn có thể đi qua ống dẫn dễ dàng hơn một viên sỏi lớn. Có nhiều phương pháp khác nhau mà các bác sĩ có thể sử dụng, bao gồm tán sỏi bằng laser và tán sỏi bằng sóng xung kích.
+ Nội soi tuyến nước bọt: Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa một ống mỏng gắn camera vào ống dẫn nước bọt. Ống này chứa kẹp nhỏ có thể kéo sỏi ra ngoài.
+ Phẫu thuật: Nếu tán sỏi và nội soi không hiệu quả, bạn có thể cần phẫu thuật để lấy sỏi. Bác sĩ chuyên khoa sẽ rạch một đường nhỏ bên trong miệng bạn và lấy sỏi ra. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ để đảm bảo bạn không bị đau trong quá trình thực hiện.
- Sỏi tuyến nước bọt có lây không?
Không, bản thân sỏi nước bọt không lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm trùng tuyến nước bọt do vi-rút hoặc vi khuẩn, bạn có khả năng lây nhiễm cho người khác.
- Có thể phòng ngừa sỏi tuyến nước bọt không?
Bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn sỏi tuyến nước bọt. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách uống đủ nước, tránh hút thuốc và thực hành vệ sinh răng miệng tốt.
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy đau hoặc nhạy cảm xung quanh ống dẫn nước bọt, hãy thử ngậm kẹo chua và bắt đầu mát-xa tuyến nước bọt để kích thích dòng nước bọt. Điều này có thể khuyến khích bất kỳ viên sỏi nào đi qua một cách tự nhiên.
- Sỏi tuyến nước bọt mọc lại không?
Khi sỏi của bạn đã biến mất, bạn sẽ không có khả năng bị sỏi khác. Nghiên cứu cho thấy rằng ít hơn 10% số người phát triển nhiều hơn một viên sỏi nước bọt trong suốt cuộc đời của họ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn