Sớm hoàn thiện, bổ sung dự án Luật BHYT (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

12:42 | 24/05/2022;
Thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHYT (sửa đổi), nhằm hỗ trợ phát triển y tế, thúc đẩy huy động các nguồn lực, tạo tiền đề xã hội hóa y tế; hướng tới chăm sóc sức khỏe người dân được tốt nhất và đa dạng nhất.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, về các dự án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó bổ sung 5 dự án luật, bao gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

Về Chương trình năm 2023, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 đối với 7 dự án, dự thảo, trong đó 6 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Trong đó có một số luật được người dân quan tâm như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)…

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Sớm hoàn thiện, bổ sung dự án Luật BHYT (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Ngoài ra, Chính phủ còn đề nghị bổ sung 5 dự án luật vào Chương trình năm 2022, 1 dự án luật đưa vào Chương trình năm 2023. Trong đó có dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), ý kiến thẩm tra của các cơ quan tuy đều nhất trí với sự cần thiết ban hành nhưng còn nêu nhiều vấn đề, nhất là về các chính sách lớn dự án luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, quan tâm về Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đồng thời cho rằng, luật hiện hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT; khẳng định tính đúng đắn, phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác quản lý nhà nước về BHYT ngày càng được tăng cường; công tác tuyên truyền BHYT đã đi vào chiều sâu, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, theo đại biểu Khánh Thu, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, bất cập. Một số nội dung trong luật chưa cụ thể, không rõ ràng, có sự mâu thuẫn trong nội tại văn bản luật. Trong khi đó, Luật BHYT còn các quy định về phạm vi quyền lợi cũng như mức BHYT chưa đồng nhất để khắc phục được những tồn tại, bất hợp lý; bảo đảm tính đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giá…. Qua đó, cần tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ người sử dụng các dịch vụ y tế.

Đồng thời, đại biểu Khánh Thu đề nghị các cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật BHYT (sửa đổi), trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển y tế, thúc đẩy huy động các nguồn lực, tạo tiền đề xã hội hóa y tế nhằm đảm bảo công bằng cho y tế tư nhân tiếp cận với nguồn khám, chữa bệnh BHYT, hướng tới chăm sóc sức khỏe người dân được tốt nhất và đa dạng nhất.

Quan tâm tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho rằng: Đây là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước. Yêu cầu đặt ra là phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động hiện đại, thông thoáng, thống nhất, nâng cao hiệu quả đào tạo. Qua đó nâng cao kỹ năng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đại biểu Hồng Thanh, kinh tế số và kỷ nguyên công nghệ số đang mang đến cơ hội bứt phá về năng suất lao động phát triển nhân lực chất lượng cao. Nhưng chính cơ hội này cũng là thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới trong quản lý nhà nước về đào tạo phát triển và sử dụng lao động. Theo đó, đại biểu Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào chương trình luật pháp lệnh với Dự án Luật Việc làm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn