Chị Lê Thị Bích Hậu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa, đã chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về vấn đề này:
Xin chị cho biết một số kết quả nổi bật của Dự án 8 tại địa phương?
- Sơn Hòa là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Phú Yên. Dân số toàn huyện là 59.908 người, trong đó có 22.827 người dân tộc thiểu số. Phụ nữ dân tộc thiểu số là 11.127 người, chiếm 48,7%; Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số là 3.360 người.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN huyện Sơn Hòa được UBND huyện giao chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Điều hành Dự án 8 của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Sơn Hòa đã tổ chức hội nghị triển khai các nội dung của Dự án; tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành các mô hình đến hơn 200 đại biểu đại diện cho ban, ngành cấp huyện và cấp xã; vận hành và ra mắt 38 Tổ truyền thông cộng đồng với 375 thành viên; đồng thời tổ chức truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại 8 xã có dự án, có 1.995 người tham gia.
Tổ chức 45 buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ vị thành niên; tổ chức 1 lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới; kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ Hội cơ sở; già làng, trưởng thôn/buôn, người có uy tín trong thôn, hội viên nòng cốt;
Ra mắt 2 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" tại xã Sơn Hội và Cà Lúi; 6 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; xây dựng 5.500 tờ gấp giới thiệu về Dự án 8 cũng như các chỉ tiêu thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; phát động 8 chiến dịch truyền thông Bình đẳng giới, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, 1 lễ phát động chiến dịch Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; 6 hội nghị "Đối thoại chính sách trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em"; tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng" cấp huyện và tham gia Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng" cấp tỉnh.
Việc triển khai Dự án 8 đã làm thay đổi cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Sơn Hòa thế nào?
- Qua 2 năm triển khai thực hiện, các hoạt động của Dự án 8 cơ bản đã bám sát định hướng nội dung của Chương trình, vừa cụ thể, vừa thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các mô hình, hoạt động của Dự án được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao, được người dân đón nhận và ủng hộ; nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới; thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; nâng cao nhận thức về chăm sóc phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh những kết quả đạt được, có những khó khăn gì cần được tháo gỡ?
- Trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như cán bộ Hội chưa có kinh nghiệm do đây là lần đầu tiên Dự án được triển khai; một số nội dung trong các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các nội dung của Dự án. Các mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" chỉ được hỗ trợ trọn gói một lần, do vậy việc duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Xin cảm ơn chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn