Sơn La là một tỉnh miền núi, dân số trên 1,2 triệu người với 16 dân tộc. Toàn tỉnh có 6 huyện biên giới, 17 xã giáp biên, 280 bản và 17.614 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội tại các xã biên giới. Nhìn chung, đời sống của đồng bào DTTS nói chung và của các chị em phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2019 chiếm 21,6%.
Trước tình hình đó, nhằm huy động sự tham gia của các cấp Hội phụ nữ cả nước và Bộ đội biên phòng (BĐBP) chung tay hướng về các xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở biên giới vững mạnh, năm 2018, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương (PNBC)" giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình đã chọn 90 xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, trong đó, Sơn La là một trong 26 tỉnh được các đơn vị, phòng ban của Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhận hỗ trợ và giúp đỡ 5 xã biên giới.
Để lan tỏa "Đồng hành cùng PNBC", năm 2018, Hội LHPN tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức Lễ ra quân phát động hưởng ứng Chương trình tại xã Chiềng On (huyện Yên Châu) với hơn 300 người tham gia. Năm 2019, tổ chức Chương trình "Xuân Đoàn kết - Tết biên cương" tại xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp). Năm 2020, tổ chức Chương trình "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản - Đồng hành cùng PNBC" tại xã Mường Sai (huyện Sông Mã) thu hút trên 3.500 người tham gia.
Từ năm 2018 - 2020, phối hợp triển khai 17 hội nghị tập huấn, 20 buổi truyền thông về luật pháp, chính sách - bảo vệ chủ quyền lãnh thổ - bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình/mua bán người. Hướng dẫn thực hiện "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng Nông thôn mới cho trên 2.000 cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS vùng biên.
Về xây dựng mô hình sinh kế, Hội LHPN tỉnh trực tiếp xuống 17/17 xã biên giới khảo sát, nắm tình hình, nguyện vọng của cán bộ hội viên, phụ nữ và nhân dân, qua đó thống nhất nội dung xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giúp đỡ cụ thể, thiết thực và bền vững cho từng năm và cả giai đoạn. Kết quả, trong 3 năm, các cấp Hội đã xây dựng được 11 mô hình sinh kế phù hợp, nổi bật là mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản với thành viên tham gia là 20 hộ phụ nữ DTTS nghèo tại xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp), hoạt động theo hướng quay vòng bảo toàn vốn với tổng trị giá 200 triệu đồng; mô hình trồng cây sachi với 70 hộ gia đình tham gia tại xã Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu).
Về công tác an sinh, xã hội, Hội LHPN tỉnh tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai các hoạt động phối hợp, sửa chữa, xây mới 32 Mái ấm tình thương cho 32 hộ gia đình DTTS nghèo. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, các cấp Hội tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 600 suất quà cho phụ nữ nghèo, gia đình chính sách; trao 135 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; trao tặng áo ấm mùa đông cho học sinh trường dân tộc nội trú xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp); khám, phát thuốc miễn phí cho trên 300 hộ nghèo.
Không ngừng nỗ lực, sau 3 năm triển khai tại Sơn La với tổng nguồn lực huy động được trên 7 tỉ đồng, Chương trình đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đời sống tinh thần - vật chất của phụ nữ và đồng bào DTTS được nâng lên, cùng phát triển. Tại các địa bàn được hỗ trợ, bộ mặt vùng biên đã được thay đổi, mỗi xã có ít nhất 1 hộ hội viên thoát nghèo. Hàng tháng, mỗi chi/tổ Hội có 1 ngày cùng quét dọn, khơi thông cống rãnh, nhiều địa bàn đã trồng được tuyến đường hoa, đào hố đựng rác gia đình, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn. 17/17 xã biên giới của tỉnh được hỗ trợ các chỉ tiêu về tuyên truyền giáo dục chính trị nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ. 17/17 xã đạt chỉ tiêu tập hợp, thu hút 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội. Đặc biệt có những xã từ sự hỗ trợ của Chương trình đã vươn lên và hoàn thành về đích Nông thôn mới – xã Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu), xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã).
Tuy nhiên, với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, dịch bệnh, thiên tai (mưa lớn, lũ quét, sạt lở, động đất) thường xảy ra, cộng với trình độ dân trí thấp, tỷ lệ nữ DTTS mù chữ, tái mù chữ còn cao… khiến cho việc nâng cao đời sống của đồng bào nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
"Do vậy, thay mặt Hội LHPN, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo để Chương trình 'Đồng hành cùng PNBC' tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn tiếp theo và được nâng lên một tầm cao mới, trong đó ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động theo hướng phát huy tối đa nội lực của phụ nữ và thế mạnh của địa phương trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh…", bà Quàng Thị Vân chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn