Sơn La: Nhiều cô gái nhẹ dạ bị lừa bán sang Trung Quốc

10:56 | 23/07/2019;
Các đối tượng xấu thường sử dụng trang mạng xã hội, kết bạn, làm quen với những cô gái rồi rủ đi chơi hoặc hứa sẽ lấy làm vợ và lừa bán sang bên kia biên giới.

Những năm gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh Sơn La đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, đời sống của người dân còn gặp khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên nhiều cô gái dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ. Các đối tượng xấu thường sử dụng trang mạng xã hội, kết bạn, làm quen với những cô gái rồi rủ đi chơi hoặc hứa sẽ lấy làm vợ và lừa bán sang bên kia biên giới. 

Trở về sau chuỗi ngày dài trở thành nạn nhân của nạn mua người, em Giàng Thị G (ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) sống khép kín và không giao du với ai. Hằng ngày, em chỉ lặng lẽ đi làm nương, phụ giúp bố mẹ những việc trong gia đình và không muốn nhắc lại chuỗi ngày đau khổ khi bị một người đàn ông quen qua Facebook lừa bán sang Trung Quốc.

Em Giàng Thị G bộc bạch, trước đây, có một người đàn ông thường xuyên gọi điện đến và nói sẽ nhận để giúp việc nhà. Sau nhiều lần dụ dỗ, em đã bắt xe từ Sốp Cộp ra thành phố Sơn La rồi đi Lai Châu. Tiếp đó, em bắt xe từ Lai Châu lên Lào Cai và được một người đàn ông giới thiệu là bạn của người đàn ông kia đón. Em đi theo họ, rồi có một người đàn ông khác đến đón và đưa em đi, nhốt vào ngôi nhà gỗ nhỏ ở trong rừng. Em bị nhốt khoảng bốn ngày thì họ bán cho hai người Trung Quốc. Trên đường họ đưa em sang bên kia biên giới thì bị Công an Trung Quốc kiểm tra, giữ lại và trao trả.

 

cong.jpg
Lực lượng chức năng bàn giao hai thiếu nữ 16 tuổi bị lừa bán sang Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

 

Một trường hợp khác ở Mường Lạn nhưng may mắn hơn đó là em Giàng Thị D. Em D cũng quen người con trai trên Facebook và thiếu chút nữa em đã trở thành nạn nhân của nạn mua bán người. Em chia sẻ, quen nhau được hơn ba tháng, người đó hứa sẽ xuống đón về Sa Pa (Lào Cai) tổ chức đám cưới và cho đi học ở trên đó nếu em đồng ý làm vợ. Đến đầu tháng 2/2019, em đang học lớp 11 ở trên huyện, người đó đi cùng một người đàn ông khác và giới thiệu là bố xuống để hỏi cưới em. Tuy nhiên, vụ việc được các chú Bộ đội Biên phòng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

G và D chỉ là hai trong số nhiều cô gái nhẹ dạ bị đối tượng xấu dụ dỗ. Theo thống kê, sáu tháng đầu năm 2019, toàn huyện Sốp Cộp có hàng trăm trường hợp vắng mặt tại địa bàn. Riêng xã Mường Lạn có hơn 20 trường hợp, trong đó nhiều trường hợp nghi bị lừa bán sang Trung Quốc. 

Đại úy Vì Ngọc Sơn, Phó Đội trưởng, Công an huyện Sốp Cộp, cho biết trên một số bản vùng cao, vùng sâu biên giới tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mua bán người do một số cô gái nhẹ dạ ra khỏi địa phương chưa rõ nguyên nhân đi đâu. Thời gian tới, Công an huyện Sốp Cộp tập trung nắm tình hình, tuyên truyền để người dân cảnh giác, không tin, nghe theo lời các đối tượng xấu.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, thời gian qua, Công an huyện Sốp Cộp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, tổ chức đoàn thể triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Công an huyện Sốp Cộp cũng tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người và phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến biên giới...

Đại úy Lừ Văn Quyết, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Mường Lạn, chia sẻ điều tra xác minh và xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người trên địa bàn thời gian qua, đơn vị nhận thấy một số nguyên nhân dẫn đến tội phạm này là do đời sống của nhân dân khó khăn và một số người nhận thức còn hạn chế, nhẹ dạ, dễ nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng mua bán người. Bên cạnh đó, số đối tượng mua bán người đã triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội, phong tục tập quán của người Mông như tục bắt vợ để kết bạn, làm quen, tìm cách dẫn dắt, đưa dẫn ra nước ngoài và thực hiện hành vi mua bán người.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mua bán người ở các xã, bản vùng cao, khu vực biên giới, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương rất cần sự chung tay từ phía cộng đồng; đặc biệt cần tăng cường, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; thực hiện tốt chính sách, tạo việc làm cho người lao động ở vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, tội phạm mua bán người mới sớm được đẩy lùi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn