Săn trộm giun đất
Nạn kích điện bắt giun đất từ vài năm nay gây bức xúc cho người dân sản xuất canh tác nông nghiệp. Bởi những đối tượng đi bắt giun hoạt động lén lút rất khó lường. Họ đi khắp các cánh đồng, sử dụng máy kích điện với tần số cao, cắm sâu xuống lòng đất. Chỉ ít phút sau giun đất không chịu nổi sẽ bò lên mặt đất. Lúc này những kẻ bắt giun đất chỉ việc nhặt bỏ vào thùng, vào bao tải chứa. Với mỗi khu vực ruộng nương, nếu không có người trông, họ tự ý vào hoạt động bắt giun đất, thì chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ là lượng giun đất gần như bị bắt sạch.
Đối tượng đi kích điện bắt giun đất ở Sơn La
Chị Lò Thị Thơm, ở huyện Vân Hồ, Sơn La, bức xúc: "Bây giờ nhà có ruộng nương không chỉ làm việc chăm sóc cây trồng, mà còn phải trông nom kẻ trộm giun nữa. Không có người trông là họ vào cắm máy điện xuống đất bắt giun, mình đuổi người này đi, thì ngày hôm sau lại thấy người khác đến. Cứ làm thế này sẽ hỏng hết đất ruộng nương, làm sao mà cây trồng lên được nữa".
Bà Lò Thị Ngần, ở Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La, cho hay: "Nhà tôi trồng cam, bây giờ cứ phải cắt cử người đi trông vườn, nếu không thì những người đi bắt giun đất họ lại vào bắt trộm giun. Họ từ các xã khác, huyện khác đến bắt giun, nên họ không có kiêng nể gì đâu. Cứ thấy không có người là vào, hoặc họ cắm máy điện ở ngay sát ruộng nhà mình, giun trong vườn không chịu được phải bò lên là họ bắt luôn".
Ông Lò Văn Ngọc, ở Mai Sơn, Sơn La, cho biết: "Việc bắt giun đất bán sang nước bạn rộ lên từ vài năm nay, trước kia người ta dùng phương pháp thủ công như đào, cuốc đất, hoặc đổ nước vôi để bắt giun. Nay, họ dùng máy kích điện, nên giun lớn, giun bé đều không chịu được, phải bò lên mặt đất hết. Khiến cho lượng giun đất bị bắt hết không sót con nào".
Ham lợi trước mắt, gây hệ lụy dài lâu hệ sinh thái
Ông Lò Văn Ngọc chia sẻ thêm: "Giun đất đang là món hàng bán chạy, người mua gom là các thương lái ở địa phương, sau khi gom đủ chuyến hàng, họ bán sang bên kia biên giới. Theo thời giá hiện nay, mỗi kg giun đất dao động từ 40-45 nghìn đồng/kg. Mỗi người đi bắt giun đất bằng máy kích điện, có thể bắt được từ 10-15kg/ngày. Họ nhìn thấy món lợi trước mắt, nhưng bắt hết giun đất thì lại là gây họa rất lớn cho nhà nông. Khi người dân tham gia kích điện để bắt giun đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá vỡ hết môi trường sống của cây và đất".
Ông Thiều Ngọc Tình, Kỹ sư Nông nghiệp, cho biết: "Giun đất có rất nhiều lợi ích cho hệ sinh thái đất và cây trồng. Vì giun đất có tác dụng hoạt động làm tơi xốp cho đất, giúp giữ nước trong đất tốt hơn; tạo khoảng rỗng xốp trong đất, giúp rễ cây tiếp xúc được với nhiều oxi và làm phân bón tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Nếu anh bắt giun đất đi, thì khác gì anh đang phá hoại sinh thái tự nhiên của môi trường đất, điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất canh tác nông nghiệp của người dân địa phương".
Giun đất được chế biến sấy khô và đóng hàng bán sang nước bạn
Theo ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La: “Trước tình trạng người dân sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất trái phép, để bảo vệ môi trường đất, cây trồng trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại khi sử dụng kích điện đánh bắt giun đến môi trường đất sản xuất, cây trồng; vận động nhân dân không sử dụng kích điện hoặc hóa chất để đánh bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất; không sử dụng các thiết bị, phương tiện không an toàn cho người, gia súc, môi trường; đề nghị đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan liên quan để được hướng dẫn cụ thể hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi liên quan đến dùng điện kích giun đất trái phép”.
Điểm 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013: "Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn