Són tiểu… nỗi khổ khó nói của chị em

14:53 | 03/08/2015;
Luôn cẩn thận để không viêm họng, hắt hơi trong mùa lạnh nhưng chị Nguyễn Thu Hà ở Hải Dương vẫn bị cảm cúm. Mỗi khi ho, dù đã đứng khép chân, ôm bụng chị vẫn không ngăn được cơn són tiểu

Chỉ dám cười mỉm

Vì bị chứng són tiểu nên chị Hà luôn đề cao cảnh giác, tránh xa viêm họng, sổ mũi. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây rét đậm, rét hại, trong khi cuối năm công việc chồng chất nên chị bị trúng lạnh và ho gió, kèm hắt hơi. Dù đã dùng kháng sinh loại nặng, ngậm chanh đào, mật ong, song những cơn ho vẫn không dứt. Bất tiện nhất là mỗi khi ho, “đầu ra” của chị lại rỉ một chút. Nhiều cơn ho dài, dù đã ngồi xuống ghế, khép chân, nước tiểu vẫn tự nhiên chảy ra sau mỗi lần ho, khiến chị ướt cả quần. Chị Đỗ Thu Hồng ở TP Thái Bình dù có nụ cười hút hồn với chiếc răng khểnh rất duyên nhưng thời gian gần đây, chị chỉ dám... cười mỉm. Có thể do chứng són tiểu của chị khá nặng nên mỗi khi cười to và dài là chị không phanh được “đầu ra”. Vì mắc chứng bệnh này nên chị cũng không dám uống nhiều nước, nhất là hôm có việc phải ngồi trên xe ô tô lâu.

Són tiểu là căn bệnh gây phiền toái nhưng rất khó nói khiến chị em ngại và ít chủ động điều trị

Thực tế, phụ nữ rơi vào hoàn cảnh như chị Hà và chị Hồng không phải hiếm. Trước kia, nhiều người quan niệm, chỉ người trung niên hay cao tuổi, mới bị són tiểu thì nay, chứng bệnh này gặp cả ở nam giới, phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Theo Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam, có 15-35% phụ nữ mắc chứng són tiểu. Mặc dù chứng bệnh này là nỗi ám ảnh, gây nhiều phiền toái nhưng rất ít chị em chủ động đi khám và điều trị.

 

Nên điều trị dứt điểm

Theo Hội Tiết niệu-Thận học Việt Nam, són tiểu là do thoái hóa mô cơ, giãn dây chằng nâng đỡ vùng dây chậu dẫn đến tình trạng nước tiểu thoát ra không theo ý muốn khi ho, hắt hơi, cười, đi lại, tập luyện thể thao, nâng vật nặng; người bệnh phải đi tiểu nhiều lần trong ngày. Ở phụ nữ trẻ, nguyên nhân phổ biến nhất gây són tiểu do thiếu sự nâng đỡ ở cổ bàng quang (nơi tiếp giáp của bọng đái với niệu đạo). Còn với phụ nữ lớn tuổi, thường là do suy giảm chức năng của bàng quang. Đàn ông bị són tiểu thường do viêm tiền liệt tuyến, sau khi giải phẫu tiền liệt tuyến hay bị mắc tiểu đường…

Không chỉ bất tiện, bệnh són tiểu còn gây thêm nhiều bệnh khác

Có nhiều nguyên nhân gây són tiểu như ảnh hưởng của việc mang thai, sinh con hoặc suy giảm nội tiết tố của thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, khiến vùng sàn chậu yếu đi... Bên cạnh bất tiện như không chủ động được “đầu ra”, són tiểu có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục, do “vùng kín” luôn trong tình trạng ẩm ướt. Vì vậy, nếu bị són tiểu, chị em nên đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm. Sau khi thăm khám, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Để phòng chứng bệnh này, chị em nên tập những bài thể dục đơn giản làm tăng độ dẻo dai và sức mạnh của các cơ bắp xung quanh ống dẫn tiểu, âm đạo và hậu môn; thực hiện chế độ ăn uống hợp lý; tránh béo phì. Với phụ nữ sau khi sinh, nên vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, lao động nhẹ nhàng, ăn nhiều chất xơ, rau xanh để tránh táo bón, phục hồi cơ thể, các cơ; tránh dùng các loại thuốc lợi tiểu; hạn chế uống bia, cà phê, trà và một số chất kích thích khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn