Sống "ảo", nghiện Facebook khiến bạn rất dễ mắc bệnh tâm thần

13:13 | 23/07/2017;
Facebook có sức hút mãnh liệt đến mức nhiều người bị lệ thuộc vào mạng xã hội này, hay nói cách khác là “nghiện" Facebook.
Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng truy cập các mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi, trong đó có Facebook trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng và cả tivi.

Facebook có sức hút mãnh liệt đến mức nhiều người bị lệ thuộc vào mạng xã hội này, hay nói cách khác là “nghiện" Facebook.

facebook.jpg
Nghiện Facebook khiến bạn có nguy cơ bị tâm thần

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi về hệ lụy do "nghiện" Facebook, đưa ra các khuyến cáo với những người đang sử dụng Facebook.

- Thế nào được coi là "nghiện" Facebook, thưa bác sỹ?

Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương:

Các dấu hiệu và triệu chứng của nghiện Facebook khác nhau. Thang đo "nghiện" Facebook của Bergen được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy bao gồm 6 câu hỏi và được trả lời theo thang từ 1-5 điểm tương ứng với các mức độ: rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên có nghĩa là dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng Facebook. 

Điểm số thường xuyên hoặc rất thường xuyên lớn hơn hoặc bằng 4/6 câu cho thấy bạn bị "nghiện" Facebook.

- Viện Sức khỏe tâm thần đến nay đã tiếp nhận điều trị bao nhiêu ca có liên quan đến "nghiện" Facebook?

Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương: Đến nay, Viện chưa có bệnh nhân điều trị nội trú đơn thuần liên quan đến nghiện Facebook. Viện hiện chỉ tiếp nhận các ca tư vấn khi có các bệnh lý đồng diễn hoặc hậu quả của quá trình "nghiện" Facebook cũng như "nghiện" mạng xã hội nói chung. Lứa tuổi "nghiện" thường ở lứa tuổi trẻ như học sinh, sinh viên.

20170721194906-20170721-182217.jpg

 

- "Nghiện" Facebook có thuốc điều trị không và hệ luỵ của vấn đề này là gì, thưa bác sỹ?

Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương: Hiện nay, chưa có nghiên cứu các thuốc đặc trị hiệu quả "nghiện" Facebook, các bệnh nhân chỉ có thể dùng thuốc khi có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện Facebook gây nên như mất ngủ, trầm cảm...

Khi "nghiện" Facebook, bệnh nhân có thể mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do sống "ảo," hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích...

- Là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sức khoẻ tâm thần, bác sỹ có lời khuyên gì cho người dùng Facebook không?

Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương: Hiện chưa con số đo lường cụ thể về mốc thời gian, tần suất sử dụng Facebook của cộng đồng. Tuy nhiên khi có các dấu hiệu như sử dụng Facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào Facebook hoặc bị ngăn cản, cấm vào Facebook sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu; vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, học tập; việc sử dụng Facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập... thì đó là dấu hiệu của "nghiện" Facebook. Đó là lúc chúng tôi cảnh báo bạn nên ngừng sử dụng Facebook nếu không muốn gặp phải những hệ lụy lớn hơn...

- Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng.

Sáu câu hỏi kiểm tra mức độ"nghiện" Facebook: 

1. Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng
2. Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook ngày càng nhiều
3. Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân
4. Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công
5. Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook
6. Bạn sử dụng Facebook nhiều đến nỗi có tác động tiêu cực đến công việc, học tập của bạn. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn