Dò dẫm trên mặt sân ngập trước nhà phủ kín bèo tấm, ông Nguyễn Duy Vinh (tổ dân phố 6, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dẫn chúng tôi "mục sở thị" cảnh sống khốn khổ của 2 vợ chồng già. Ông Vinh cho biết, cuộc sống của gia đình ông bị đảo lộn vì nhà bị nước bủa vây tứ phía.
"Nước từ đường Xuân Phương tràn xuống, nước từ Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương tràn sang, nhà tôi mắc kẹt ở giữa trở thành cái túi đựng nước. Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng nước vẫn chưa rút hết. Để vào được nhà, buộc lòng vợ chồng tôi phải lội qua dòng nước bẩn", ông Vinh chia sẻ.
Vén cao gấu quần để lộ ra đôi bàn chân lở loét, ông Vinh bảo đây là những hậu quả của việc phải đi lại và sinh hoạt cạnh dòng nước bẩn.
Đã nhiều năm nay, cứ sau mỗi trận mưa lớn, vợ chồng bà Bùi Thị Tâm và ông Nguyễn Duy vinh lại phải sống trong cảnh sân biến thành ao bèo tấm trước cửa. Đợt mưa lớn hồi cuối tháng 6/2024, nước kéo theo rác thải, bùn đất "ngự" tại khoảng sân trước căn nhà của gia đình ông bà gần 1 tháng vẫn chưa rút hết. Cạnh khoảng sân đó, vườn cây của gia đình bà cũng đã chết gần hết do bị úng nước.
Vợ chồng ông Vinh có đủ cháu nội, cháu ngoại. Bình thường, cứ vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ hè, chúng lại được bố mẹ đưa sang ở cùng ông chơi. Tuy nhiên, kể từ hôm nước ngập, căn nhà nhỏ chỉ còn có ông bà vào ra.
Nước ngập lâu nên ốc bươu vàng đã đẻ trứng kín sân. Bọ gậy, lăng quăng cũng nhiều vô kể. Thậm chí, khoảng sân nhà ông Vinh còn có cả đàn cá rô sinh sống. Khổ nhất là mỗi khi chiều xuống, muỗi bay như "vãi trấu".
Theo ông Vinh, gia đình ông đã sống ổn định tại xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm - nay là phường Xuân Phương) hàng chục năm nay. Khi triển khai xây dựng Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương nhà ông Vinh cũng nằm trong diện đền bù, giải tỏa.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm này ông Vinh và hàng chục hộ khác vẫn "mắc kẹt" trong khu dự án, dù nơi đây giờ đã trở thành khu đô thị xa hoa.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Trần Thị Loan (hàng xóm nhà ông Vinh) cho biết: Nhà bà mở gara ô tô tại nhà do chồng và con trai phụ trách. Thế nhưng, khoảng 2 tháng nay phải nghỉ ngắt quãng, có hôm nghỉ đến 3-4 ngày vì nước bẩn tràn vào nhà.
Vào nhà cũng phải lội nước, ra vườn cũng phải đi qua nên chân tay vợ chồng tôi bị nước ăn loang lổ, ngứa ngáy vô cùng”.
Ông Nguyễn Duy Vinh, Tổ dân phố 6, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
"Nước ứ đọng nhiều ngày nên muỗi nhiều vô kể. Đợt này, con tôi phải đưa 2 đứa cháu nội đến nhà bà ngoại tận Pháo Đài Láng để tá túc. Mỗi lần tranh thủ về thăm ông bà nội, các cháu phải buông màn ngồi chơi ở đó", bà Loan nói.
Cũng theo bà Loan, cách đây khoảng chục năm, nhà bà cũng được cán bộ đến kiểm đếm, đo đạc nhưng không hiểu vì lý do gì, nhà bà và nhiều hộ khác đến nay vẫn chưa được giải phóng mặt bằng để đến nơi ở mới.
Nơi gia đình bà Loan đang sinh sống thấp nhất trong tổ dân phố nên có thời điểm nước ngập cả tháng. Cây cối không thể trồng, chăn nuôi cũng gặp khó. Nhà nuôi đàn chó nhưng bà Loan phải dời chuồng lên tận sân thượng.
Hơn 16 năm trước, ngày 4/2/2008, UBND TP Hà Nội thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Công ty cổ phần Tasco (Tasco) là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này.
Để thực hiện dự án xây dựng đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, Tasco được chính quyền Thủ đô đối ứng cho 70ha đất, gồm: 30ha đất tại dự án đơn vị ở số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại đơn vị ở 3 và một phần đơn vị ở 2 Khu đô thị mới Xuân Phương (nay là dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương).
Hiện tại Tasco đã kiện toàn lại Hội đồng Giải phóng mặt bằng và Tổ công tác hỗ trợ công tác đền bù sau khi một số thành viên Hội đồng thành viên Tổ công tác trước đây đã luân chuyển công tác. Tasco đã, đang và luôn sẵn sàng phối hợp và mong muốn thúc đẩy việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng”.
Đại diện Công ty cổ phần Tasco, Chủ dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương
Đến ngày 15/6/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3105 về việc cho phép Tasco tiếp tục sử dụng 370.440m2 đất (37,4ha) tại phường Xuân Phương, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương, giai đoạn 1.
Theo báo cáo của Tasco, dự án triển khai đảm bảo tiến độ được phê duyệt, trong đó, giai đoạn 1 gồm 567 căn triển khai từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 gồm 246 căn còn lại triển khai từ năm 2019-2025.
Tuy nhiên, dự án có tổng mức đầu tư 2.850 tỷ đồng đã chậm tiến độ, để lại không ít "tai tiếng" và làm tốn nhiều giấy mực của báo chí khi hàng loạt biệt thự triệu đô bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục xuống cấp. Khu đô thị trở nên hoang tàn, nhếch nhác. Sau khi các cơ quan chức năng của Hà Nội vào cuộc, đôn đốc dự án này đã có những thay đổi tích cực.
Hiện tại, dự án vẫn còn biệt thự bỏ hoang, nhiều hạng mục công trình chưa hoàn thành nhưng bên cạnh đó, các tuyến đường đã được tu sửa, nhiều biệt thự "triệu đô" cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương đã toát lên vẻ hiện đại, khang trang. Duy nhất, hàng chục hộ dân bên cạnh dự án ngày càng khốn khổ hơn theo thời gian.
Đại diện Tasco thông tin: Dự án khu nhà ở Xuân Phương có tổng diện tích 38,2ha. Các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật đến nay đã được hoàn thiện. Các lô đất phải bàn giao lại cho cơ quan Nhà nước đã được Tasco hoàn thiện và bàn giao.
Khu vực chưa giải phóng mặt bằng có tổng diện tích khoảng 11.197m2, nằm ở đầu tuyến đường đấu nối ra đường Trịnh Văn Bô và đấu nối vào tuyến đường 70.
Về nguyên nhân vướng mắc trong quá trình xử lý và hiện gần 50 hộ dân tại tổ 4 và tổ 6 phường Xuân Phương vẫn "mắc kẹt" trong dự án, đại diện Tasco cho biết: Khu đất chưa giải phóng mặt bằng phần lớn là đất ở. Các vị trí này có một số thửa đất có nguồn gốc phức tạp, đã được các hộ chia tách, chuyển nhượng qua nhiều chủ.
Ranh giới của một số các thửa đất chia tách trên hồ sơ và trên thực địa không trùng khớp nhau. Về việc xác định quyền lợi tái định cư cho người dân gặp nhiều khó khăn do vấn đề nguồn gốc đất và chia tách thửa phức tạp nêu trên.
Ngoài ra, bảng giá đất của Hà Nội thay đổi khi người dân chưa nhận tiền đền bù (năm 2014, 2019 có bảng giá đất mới).
Trong khi đó, trả lời báo chí đại diện quận Nam Từ Liêm cho biết, trước đây chủ đầu tư dự án thực hiện giải phóng mặt bằng. Năm 2019, việc giải phóng mặt bằng mới giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận thực hiện. Sau khi tiếp nhận, quận đã triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Tuy nhiên, do dự án kéo dài nhiều năm, chính sách giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi đã ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại thuộc dự án. Quận Nam Từ Liêm đang phối hợp với Tasco, UBND phường Xuân Phương tiếp tục triển khai các bước giải phóng mặt bằng theo quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn