Nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của xã Ân Hảo Đông, được hình thành và phát triển từ những năm 1980. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của phát triển kinh tế nên nghề trồng dâu nuôi tằm của xã phát triển có lúc thăng trầm. Trong những năm gần đây, do giá cả thị trường kén tằm phát triển mạnh và ổn định nên nghề trồng dâu nuôi tằm được phục hồi, phát triển mạnh mẽ.
Chị Nguyễn Thị Huệ (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông) không chỉ được biết đến là người nhiệt huyết, hăng say với công tác Hội mà còn là người làm kinh tế giỏi với nghề trồng dâu nuôi tằm.
Chị Huệ bén duyên với nghề trồng dâu nuôi tằm từ năm 2010, khi thấy nhiều người nuôi tằm thu được giá trị kinh tế cao. Trước đó, chị chủ yếu làm nông và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Hiện nay, với 4 sào đất của nhà và 3 sào đất đi thuê, gia đình chị Huệ đều đầu tư vào trồng dâu nuôi tằm. Một tháng, chị Huệ nuôi khoảng 3 lứa tằm. Mỗi lứa tằm chị thu được từ 45-50 kg kén. Với giá bán trung bình hiện nay khoảng 150 -180 nghìn đồng/kg kén, chị Huê thu được khoảng 6 - 8 triệu đồng/lứa tằm.
Chị Huệ cho biết, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình chị khoảng 200 - 250 triệu đồng. Nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm, chị đã xây dựng được nhà ở khang trang với đầy đủ các tiện nghi và chăm lo cho con cái đến nơi đến chốn.
Với gần 12 năm gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, để có được thu nhập ổn định như hiện nay, chị Huệ cho biết, đó là nhờ sự quan tâm tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản về trồng dâu nuôi tằm để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên diện tích 2,5 ha đất bãi ven sông, gia đình chị Đỗ Thị Phượng (xã Ân Hảo Đông) đầu tư trồng các giống dâu mới, xen canh gối vụ để nuôi tằm từ tháng 1 đến tháng 10 hằng năm. Năm 2020, chị Phượng chủ động đăng ký tham gia mô hình trồng giống dâu mới và áp dụng kỹ thuật nuôi tằm 2 giai đoạn do Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân chuyển giao.
Chị Phượng cho biết, quy trình nuôi tằm 2 giai đoạn giúp tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, giảm được nhiều rủi ro trong quá trình nuôi. Được chuyển giao, tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, lại có thêm một số giống dâu mới năng suất cao, mỗi tháng gia đình chị nuôi 2 hộp trứng, sản lượng gần 100 kg kén/tháng; có thể lãi được hơn 10 triệu đồng.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT, đến nay huyện Hoài Ân đã có hơn 350 ha dâu, riêng xã Ân Hảo Đông chiếm 125 ha, với hơn 100 hộ theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Ông Nguyễn Trung Phong, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông, cho biết: Nhờ tiếp cận được nhiều giống tằm, dâu mới năng suất, chất lượng cao và kỹ thuật nuôi mới, người trồng dâu nuôi tằm hạn chế được rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh. Hơn nữa, một yếu tố rất quan trọng là từ năm 2017 đến nay, giá kén tằm rất ổn định, khi có biến động đều theo hướng tăng lên, thời điểm này đang ở mức 190 nghìn đồng/kg, đây là mức đủ đem lại lợi nhuận lớn cho người dân địa phương.
Hiện nay, những gia đình theo nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Đông đều "sống khỏe" với nghề. "Tuy nhiều năm qua giá kén ổn định với mức có lợi cho người trồng dâu nuôi tằm, nhưng chúng tôi vẫn chưa thật sự yên tâm vì còn thiếu các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo bền vững. Toàn bộ việc tiêu thụ kén tằm đến giờ vẫn do thương lái chi phối. Vì thế, chính quyền địa phương rất trăn trở với bài toán xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng dâu nuôi tằm để hỗ trợ bà con, tiết giảm chi phí đầu tư; đồng thời xúc tiến thành lập làng nghề, mở rộng và tìm đầu ra cho sản phẩm kén tằm", ông Nguyễn Trung Phong chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn