Điệp và những kỷ niệm của tuổi 15 khờ khạo vẫn sống mãi trong tôi. Ảnh minh họa
Chuyện xảy ra đã rất lâu, khi chúng tôi mới 15 tuổi. Hôm đó, vừa bước chân vào cửa lớp, tôi bỗng giật nảy mình vì một tiếng: Đét! Không khí im lặng. Tất cả lũ con trai đang đứng ngồi lố nhố trên cái bàn đầu tiên cũng im bặt. Rồi tất cả rú lên cười ngặt nghẽo… Điệp cũng cười, tay giơ giơ cái thước vừa mới đập vào mông tôi.
Tôi đứng tại chỗ, cố giữ cho nước mắt không trào ra, nhìn chằm chằm vào tất cả. Một người, hai người rồi cả bọn đều lảng tránh… Sau cùng, Điệp đặt cây thước kẻ xuống và đi ra ngoài. Tôi bước lại cái bàn đầu tiên, đặt cặp xuống trước mặt và ngồi xuống, hai mắt dán chặt vào cây thước lim.
Trống vào lớp, tôi ngồi yên chờ đợi. Mỗi một bước chân tiến vào lại cộng thêm sự thù hận trong lòng, cơn giận dữ không còn cứu vãn được: “Dám cười nữa! Dám xúc phạm tôi nữa!”, như dồn hết mọi sức lực vào 2 cánh tay, tôi vung thước đập thẳng vào ngực Điệp, đúng lúc cậu ấy bước qua. “Hự” bóng áo trắng đổ gục xuống. Điệp nằm ngay dưới chân bục giảng, gần như co quắp lại. Tôi ném thước, nghe tiếng Điệp thở nặng nhọc, tự nhủ “Không thể cúi xuống đỡ cậu ta được”, tôi quay trở lại chỗ ngồi.
Cô giáo dạy Hóa cũng là bác ruột của Điệp giận dữ. Cô đập cái thước lim xuống mặt bàn: “Ai? Ai đánh bạn Điệp?”.
Cả lớp nghẹt thở. Tôi đứng dậy. Lần đầu tiên từ lúc bị “xúc phạm”, tôi mới khóc ngon lành, khóc như thể chính tôi mới là đứa bị đau. Điệp bảo: “Thưa cô, tại cháu!”. Hành động bạo lực của tôi được xóa bỏ nhưng tôi vẫn rấm rứt khóc khi các bạn đưa Điệp về nhà.
***
Sau này, thi thoảng Điệp vẫn mượn bút, mượn thước hoặc đưa cái này cái khác cho tôi nhưng tôi chỉ im lặng. Những lúc thật bắt buộc, tôi nói cộc lốc “bút”, “thước” rồi giật lấy những thứ trên tay cậu ấy, không bao giờ ngước nhìn. Có một lần trong giờ học nghề, tôi gắt “kéo” rồi giật lấy từ tay Điệp như thường lệ. Chỉ nghe ối một tiếng, một giọt máu rơi xuống trang giấy trắng. Tim tôi nhói một cái, giọng run rẩy: “Sao không đưa mũi kéo?”, “Đưa mũi kéo thì người chảy máu là cậu rồi!”.
Tôi chợt nhận ra rằng, từ trước đến giờ, bất kể khi nào đưa cho tôi một cái gì, Điệp đều hướng đầu nhọn về phía lòng bàn tay mình, nhường phía an toàn cho tôi. Mắt tôi rất cay, tôi cúi xuống nhìn lưỡi kéo lạnh lẽo và im lặng.
Năm học kết thúc, chúng tôi thi tốt nghiệp rồi thi vào cấp III. Ngày chia tay, cả lớp đạp xe ra bãi biển, tôi bỏ dép háo hức leo lên những mỏm đá trải dài theo những con sóng. Điệp đứng đằng xa gọi: “Xuống đi, rách chân bây giờ”, tôi bĩu môi tiếp tục leo ra. Cậu ấy lấy giấy ăn cúi xuống thấm những vết rách trên lòng bàn chân tôi, miệng lẩm nhẩm: “Đã bảo rồi!”. Tôi di chân mạnh xuống cát, bước ra phía xa cậu ấy hơn…
***
Sự im lặng của tôi kéo dài. Cho dù lên cấp III, chúng tôi học chung trường, khi lên đại học rồi, tôi vẫn nhận được từ bạn bè những lời hỏi thăm của Điệp nhưng tôi đã không bao giờ trả lời. Lần gần nhất khi chúng tôi tình cờ gặp lại, cậu ấy rời khỏi hiên nhà mình, mỉm cười và bước về phía tôi, chỉ một chút nữa tôi có thể cười và hỏi: “Khỏe chứ?” nhưng tôi quay lưng lại. Tôi không biết rằng, đó là lần cuối cùng, Điệp cố gắng bước về phía mình và chúng tôi đã có thể nói một điều gì đó.
Vào buổi sáng, khi bạn của chúng tôi gọi điện báo Điệp mất vì tai nạn, tôi khóc như cái ngày bị cậu ấy “bắt nạt”. Mọi sự cố chấp, mọi sự giận dữ trở nên thừa thãi và vô nghĩa. Trong lòng tôi, chỉ còn một cậu bạn với nụ cười trong veo tươi sáng trong màu áo trắng, tôi giật nắp bút và trên lưng áo lấm tấm những chấm màu xanh. “Vì sao phải về thay áo? Cậu có bị bệnh sạch quá không đấy?”, tôi cứ léo nhéo như thế ngày chúng tôi bắt đầu quen nhau.
Tôi trở về nói lời tạm biệt, lặng lẽ cất tất cả vào ký ức và lại tiếp tục cuộc sống bận rộn của mình. Nhưng nhiều lần, Điệp và những kỷ niệm của tuổi 15 khờ khạo vẫn sống lại trong tôi.