Bãi rác tập trung tại xã Nam Trung (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) chỉ cách nơi ở của các hộ dân thôn Phú Lâm (xã Nam Hồng) vài trăm mét. Nhiều năm qua, người dân ở đây bị "tra tấn" bởi mùi từ bãi rác.
Thôn Phú Lâm (xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) nằm bên cánh đồng lúa rộng lớn. Theo người dân trong thôn, trước đây, Phú Lâm là nơi có khí hậu trong lành. Còn bây giờ, người dân nơi đây sống trong "ác mộng" về môi trường.
Chính xác là kể từ năm 2016, xã Nam Trung xây dựng khu lò đốt rác thải sinh hoạt tập trung. Khu lò đốt này được đặt tại thôn Hải Định và chỉ cách thôn Phú Lâm hơn 200 mét. Bãi rác xã Nam Trung cũng bố trí một lò đốt nhưng là lò thủ công, hiện đã cũ, liên tục hỏng hóc. Mang tiếng là đốt rác trong lò nhưng khói bay mù mịt khắp cánh đồng, chẳng khác nào đốt trực tiếp trên bãi rác.
Khói bụi trong quá trình lò đốt rác hoạt động kèm theo mùi xú uế theo gió Tây Nam thổi thẳng vào nơi cư ngụ của những hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn Phú Lâm. "Rác không phải do chúng tôi thải ra nhưng chúng tôi lại phải hứng chịu hậu quả trong quá trình xử lý rác", ông Bùi Văn Phước (ở xóm 5, thôn Phú Lâm) bức xúc nói.
Theo ông Phước, xã Nam Trung có hơn 4.000 hộ dân và gần 1.500 nhân khẩu, ngoài ra còn có nhiều hộ kinh doanh buôn bán, trường học, bệnh viện... nên lượng rác thải ra mỗi ngày ở đây rất lớn. Mấy năm gần đây, bãi rác đã trở nên quá tải, việc đốt và chôn lấp không xuể khiến mùi và khói từ lò đốt tỏa ra khắp vùng.
Bị ảnh hưởng nặng nhất là những hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn Phú Lâm của xã Nam Hồng. "Chúng tôi sinh sống gần bãi rác và phải hứng chịu đủ thứ ô nhiễm. Nhiều người trong thôn, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, bị bệnh về đường hô hấp. Nhà luôn phải đóng cửa để tránh ruồi nhặng. Khổ nhất là mỗi khi gia đình nào có việc hiếu, hỉ mà phải chuẩn bị cỗ bàn thì phải phun thuốc cả tuần trước đó mới dám mời khách đến nhà", ông Phước kể.
Dù đã 1 năm trôi qua nhưng người dân thôn Phú Lâm vẫn không thể quên "sự cố" xảy ra trong bữa tiệc đầy tháng cho cháu của gia đình bà Nguyễn Thị Oanh. Theo bà Oanh, hôm đó, gia đình bà chuẩn bị mâm cỗ để mời họ hàng và bà con trong xóm đến dự. Dù đã cẩn thận dùng màng bọc thực phẩm nhưng khi khách đến đông đủ, gia chủ bê mâm lên thì mọi người phát hiện một đĩa sứa… có giòi.
"Chỉ một lỗ thủng nhỏ nhưng nhặng đã chui vào trong đẻ trứng. Giống này sinh sản rất nhanh nên chỉ sau vài chục phút, trứng đã thành giòi. Hôm đó, vợ chồng tôi vô cùng xấu hổ, chỉ biết xin lỗi khách. Dù tỏ ra thông cảm nhưng sau đó, mọi người đều ra về, không một ai dám dùng bữa. Vợ chồng tôi tủi thân chỉ biết khóc. Hôm sau, câu chuyện mâm cỗ có giòi được bàn tán khắp làng", bà Oanh kể lại.
Vợ chồng bà Oanh sinh sống tại thôn Phú Lâm mấy chục năm nay, gắn bó với việc làm nông. Mùa vụ hết, thời gian rảnh rỗi nhiều nên trước khi người con cả lập gia đình, ông bà đã bàn nhau sẽ dành thời gian đó để trông cháu cho các con yên tâm công tác.
Ấy vậy mà khi đứa cháu vừa đầy tháng, bà đã phải bảo con dâu đưa con lên Bắc Ninh ở trọ cùng chồng. Phòng trọ tuy chật hẹp, lại thiếu thốn đủ đường nhưng vẫn còn hơn là để cháu ở quê.
Không chịu được tình trạng ô nhiễm từ bãi rác xã Nam Trung, nhiều năm nay, người dân thôn Phú Lâm đã liên tục kiến nghị với chính quyền xã này và cả xã Nam Hồng, cùng huyện Tiền Hải. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm từ bãi rác vẫn không được xử lý, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Năm 2021, vì quá bức xúc nên người dân thôn Phú Lâm đã tụ tập tại con đường bê tông đưa rác vào bãi. Chính quyền địa phương sau đó đã vào cuộc, tích cực chôn lấp, phun thuốc khử trùng kèm theo lời hứa với người dân 2 năm sau sẽ cho di chuyển bãi rác.
Tuy nhiên, đến năm 2024, "lời hứa 2 năm" cũng qua nhưng bãi rác Nam Trung vẫn ở đó. Mới đây, người dân thôn Phú Lâm lại phong tỏa bãi rác. Khác với lần trước, lần này, người dân làm gay gắt hơn, họ căng lều, ngăn không cho xe rác vào khu đốt rác xã Nam Trung. 4 ngày bãi rác bị phong tỏa (từ ngày 11 đến ngày 14/5/2024) là từng ấy thời gian rác thải sinh hoạt bị ùn ứ.
Sự việc căng thẳng buộc đích thân Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải Bùi Tuấn Anh, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường Vũ Thị Hồng cùng lãnh đạo 2 xã Nam Trung, Nam Hồng phải ngồi lại đối thoại với người dân. Tại buổi đối thoại, người dân một lần nữa yêu cầu phải di dời bãi rác. Thời điểm di dời phải được ấn định và ghi vào biên bản.
Sau khi thảo luận, buổi đối thoại đã đi đến thống nhất một số nội dung. Trong đó, xã Nam Trung được chỉ đạo khẩn trương bố trí kinh phí, lực lượng, vật tư để khắc phục sửa chữa lò đốt. Tiếp tục vận hành lò đốt và khu xử lý rác thải tập trung theo đúng quy định. Trong thời gian 24 tháng sẽ tiến hành di dời khu xử lý rác Nam Trung đến địa điểm khác.
Một số người dân thôn Phú Lâm nhất trí thu dọn lều bạt để xã Nam Trung bố trí lực lượng san lấp và sửa lò đốt, xử lý rác. Sau buổi đối thoại, xã Nam Trung đã cho 3 máy xúc vào san lấp, lò đốt cũng đã được sửa chữa. Bãi rác đã được dọn sạch và tình trạng ô nhiễm được cải thiện rõ rệt.
Ngày 18/6/2024, theo ghi nhận của phóng viên Báo PNVN, toàn bộ rác đã được chôn lấp. Lò đốt vẫn đang được 3 người vận hành đốt. Những lỗ thủng trên chiếc lò cũ đã được "vá" lại bằng nhiều tấm tôn, ống khói cũng được nâng cao lên.
Mặc dù vấn đề trước mắt đã được giải quyết theo hướng chính quyền lắng nghe kiến nghị của người dân nhưng khi chúng tôi tìm đến thôn Phú Lâm, hàng chục người dân đã kéo đến để "kể khổ".
Bà Bùi Thị Hoa (76 tuổi) bị bệnh lao từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, bà đều phải duy trì việc dùng thuốc để nhịp thở được ổn định. Bên cạnh đó, bác sĩ đã khuyến cáo bà nên sống ở môi trường trong lành.
Thế nên, bà vô cùng bức xúc trước việc bãi rác Nam Trung gây ô nhiễm cho gia đình bà cũng như nhiều hộ dân thôn Phú Lâm. Bà Hoa nói rằng, bản thân bà đã già, sống chẳng được bao lâu nhưng rất lo cho con cháu sau này.
Dù sức khỏe không được đảm bảo nhưng khi biết tin có phóng viên đến tìm hiểu tình trạng ô nhiễm, ông Bùi Xuân Phái (68 tuổi) vẫn nằng nặc bảo vợ đưa đến để phản ánh những lời "gan ruột". Bà Phạm Thi Ngọ (71 tuổi), vợ ông Phái, cho biết, vợ chồng ông bà hiện mắc nhiều bệnh. Đặc biệt, ông Phái mắc bệnh lao phổi 8 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Trung, cho biết, UBND huyện Tiền Hải đã có văn bản cam kết với người dân tiến hành các bước di chuyển lò đốt vào năm 2026. Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận việc tìm vị trí mới để di chuyển bãi rác là điều không đơn giản, hiện vẫn chưa "nhắm" được chỗ nào.
Điều này cũng được ông Phạm Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải, khẳng định, việc di chuyển bãi rác Nam Trung hiện vẫn là "bài toán" chưa có lời giải đáp, dù đã hứa với người dân.
Bài sau: Những lò đốt rác có cũng như không
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn