Theo phân tích của các chuyên gia y tế, khi hút một điếu thuốc lá sẽ tạo ra 4 dòng khói thuốc chính. Khói thuốc do người hút thuốc lá hút trực tiếp vào cơ thể; khói thuốc cháy ở đầu điếu thuốc lá tỏa ra môi trường; luồng khói do người hút thuốc hút vào và thở ra môi trường; tàn dư của khói thuốc lá lơ lửng trong môi trường sau khi hút thuốc lá.
Với 4 loại khói này, người hút thuốc lá chủ động sẽ hút vào dòng khói chính, còn người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải 3 loại khói còn lại. Khói thuốc lá không chỉ có hại đối với sức khỏe người trực tiếp sử dụng nó mà còn ảnh hưởng đến con trẻ và những người xung quanh vì khói thuốc lan trong không khí khiến họ cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo ThS. Vũ Văn Thành, Bệnh viện Phổi Trung ương, khói toả ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Chính người hút thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hít vào khói thuốc từ đầu thuốc đang cháy tỏa ra. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên với trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc/ngày.
Đối với người lớn, nếu bị hút thuốc thụ động sẽ làm tăng 20%-30% nguy cơ ung thư phổi và bệnh tim mạch. Ước tính hút thuốc thụ động hàng năm gây ra 3.400 ca tử vong vì ung thư phổi và từ 22.700 đến 69.700 ca tử vong vì bệnh tim ở Mỹ.
Một điều rõ ràng đã được khoa học chứng minh là hút thuốc thụ động cũng gây ung thư và thậm chí tỷ lệ tăng nguy cơ ung thư ở người hút thuốc thụ động cũng không thua kém người trực tiếp hút thuốc. Cũng có nhiều bằng chứng khoa học liên tục cho thấy nếu trong gia đình có người chồng hút thuốc, ngoài các loại ung thư đường hô hấp, người vợ dễ bị mắc ung thư hơn tới 20% so với những người vợ không phải tiếp xúc với khói thuốc lá bao giờ. Tỉ lệ này gần tương đương với việc người vợ trực tiếp hút thuốc lá, theo báo cáo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới.
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do hút thuốc thụ động. Trẻ em thở nhanh hơn người lớn, nên lượng độc tố hít phải từ môi trường bên ngoài cũng cao hơn. Tất cả các nghiên cứu về hút thuốc thụ động đều chỉ ra rằng hút thuốc thụ động gây ra những mối nguy hại vô cùng lớn đối với sức khỏe đặc biệt đối với trẻ em. Hầu hết trẻ em sống trong gia đình có bố hoặc mẹ hút thuốc lá đều gặp phải những biểu hiện như dễ bị nhiễm trùng phổi; thường có triệu chứng ho, thở khò khè hoặc mắc bệnh hen suyễn; dễ bị các bệnh về tai như viêm tai giữa.
Người mẹ hít phải khói thuốc lá nhiều trong thời gian mang thai có nguy cơ bị sảy thai nhiều lần, làm tăng nguy cơ thai chết lưu. Làm chậm quá trình phát triển của thai nhi và con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh.
"Đối với trẻ em, thuốc lá thụ động làm tăng tỉ lệ đột tử ở trẻ sơ sinh 1,4-8,5 lần nếu trong quá trình bào thai có phơi nhiễm với khói thuốc lá. Trẻ em sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc có cân nặng trung bình thấp hơn trẻ khác 200-400 gram. Tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp mạn tính ở trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá từ 1,2-1,5 lần. Hút thuốc thụ động làm tăng 30% trường hợp hen phế quản ở trẻ", Ths. Vũ Văn Thành cho biết.
Vậy làm thế nào để giảm hút thuốc lá tự động? Theo Ths. Vũ Văn Thành, người hút thuốc cần có ý thức không hút thuốc nơi đông người, không hút thuốc trong nhà, không hút thuốc tại nơi có biển "Cấm hút thuốc". Còn đối với người không hút, cần nhắc nhở người hút thuốc không hút gần mọi người, không hút thuốc trong nhà; khuyến khích người nhà và bạn bè bỏ thuốc lá.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn