Du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, qua bản quyền Soroban Singapore do Hệ thống Soroban Việt Nam quản lý và phát triển, phương pháp toán tính nhẩm siêu tốc Soroban đã được học sinh Việt Nam lứa tuổi từ 4 -12 đón nhận nhiệt tình. Qua 8 năm, Soroban Việt Nam đã có mặt tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hàng trăm trung tâm đào tạo và hàng ngàn học sinh theo học.
Phương pháp tính nhẩm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia
Soroban là từ trong tiếng Nhật cổ, dùng để chỉ chiếc bàn tính có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chiếc bàn tính này được du nhập vào Nhật Bản từ năm 1600. Đây là dụng cụ để tính toán phổ biến tại Châu Á thời điểm đó. Trải qua nhiều thế kỷ, người Nhật đã phát triển ra một phương pháp tính nhẩm nhanh và coi đây không chỉ đơn giản là thuật dùng để tính toán, mà còn rèn luyện trí não.
Qua nhiều biến cố của lịch sử, phương pháp tính nhẩm Soroban của người Nhật Bản đã lan tỏa đi toàn thế giới, ngày càng cải tiến và phát triển. Hiện nay, phương pháp tính nhẩm siêu tốc được ứng dụng trong hệ thống giáo dục tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Malaisia…. và được Hiệp hội bàn tính thế giới công nhận là một trong những phương pháp tính toán ưu việt.
Dù mới chỉ có mặt tại Việt Nam khoảng 8 năm nhưng phương pháp tính nhẩm siêu tốc của Hệ thống Soroban Việt Nam đã được đón nhận nhiệt tình. Đặc biệt, hệ thống Soroban Việt Nam đã trở thành thành viên duy nhất tại Việt Nam có mặt trong Hiệp hội bàn tính thế giới, tham gia tất cả các sự kiện lớn của Hiệp hội và đem lại những giá trị lớn cho Hệ thống Soroban Việt Nam, cũng như các học sinh tham gia.
Mời bạn tìm hiểu thêm về phương pháp tính nhẩm Soraban trong clip dưới đây:
Soroban không chỉ là học toán
“Điều rất đặc biệt của phương pháp tính nhẩm siêu tốc là hướng tới các trẻ em ở lứa tuổi từ 4 -12. Đây là giai đoạn đầu đời của trẻ làm quen với những con số và phép tính. Song ở Soroban, trẻ không chỉ làm quen đơn giản như vậy, mà còn giúp trẻ phát triển tư duy một cách toàn diện”, bà Phí Thị Minh Hằng, phó Giám đốc đào tạo Soroban Việt Nam nhấn mạnh.
Lý giải cho vấn đề này, theo bà Hằng, Soroban là phương pháp giúp rèn luyện cả bán cầu não trái và bán cầu não phải vì phương pháp này bao gồm hai phần: tưởng tượng hình ảnh bàn tính và thực hiện các phép tính. Trong khi đó, bán cầu não trái đảm nhiệm việc tính toán logic còn bán cầu não phải đảm nhiệm trí tưởng tượng không gian. Điều này đã được các chuyên gia tâm lý giao dục của Nhật Bản và nhiều nước khẳng định từ nhiều thập niên qua.
Để đạt được điều này, trẻ phải trải qua 5 cấp độ học khác nhau. Từ bàn tính thật, bàn tính tưởng tượng trên giấy, ký hiệu trên giấy, cách tính quy ước và cuối cùng là tính trên trí tưởng tượng của trẻ. Như vậy, rõ ràng với sự phát triển song hành của bán cầu não trái và phải, trẻ sẽ có thể hình dung ra việc cộng trừ các con số trong khoảng từ 1-99 hoặc từ 100 – 999, chỉ trong chưa tới 3 giây.
Tại quốc gia có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, các cuộc thi Soroban quốc tế đều mang đến sự kinh ngạc không chỉ cho bậc phụ huynh, mà cả ban giám khảo, khi các em có thể tính toán một dãy số dài tới mức phụ huynh còn chưa ghi đề bài, các em đã tính ra kết quả.
“Mục tiêu của Soroban Việt Nam là không gây sức ép tính toán với các con khi tham gia khóa học, mà quan trọng là các con có sự hình dung cụ thể về những gì mình được cập nhật và xử lý một cách nhanh nhất có thể. Điều đó sẽ giúp các con có thêm những phản ứng tích cực và mạnh dạn hơn trong cuộc sống”, bà Phí Thị Minh Hằng chia sẻ.
Học sinh Việt Nam được đánh giá cao tại các cuộc thi Soroban quốc tế
“Tại các cuộc thi Soroban quốc tế những năm trước, Soroban Việt Nam đã tuyển chọn được đội tuyển tuyệt vời. Thành tích của các em đã được Hiệp hội bàn tính thế giới ghi nhận. So với các quốc gia trong khu vực, Soroban Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối và các em tuy còn ít tuổi song rất tự tin. Tên tuổi của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi tính nhẩm siêu tốc quốc tế đã được bạn bè thế giới biết tới”, ông Trần Xuân Thủy - CEO Hệ thống Soroban Việt Nam, nhấn mạnh.
“Tuy chỉ là một phương pháp tính nhẩm siêu tốc nhưng Soroban đã được các bậc phụ huynh và các cơ quan về giáo dục của Việt Nam đón nhận nhiệt tình. Đó là điều đáng mừng. Song đáng tiếc là có một số cơ sở lại tự xây dựng dạy phương pháp này trên các phương tiện online. Điều này hoàn toàn trái ngược với phương pháp đào tạo Soroban trên thế giới hiện nay. Học phương pháp tính nhẩm luôn cần học trực tiếp và làm mẫu trực tiếp, không thể học qua online được, nhất là đối với lứa tuổi nhỏ”, bà Phí Thị Minh Hằng, Phó giám đốc đào tạo Hệ thống Soroban Việt Nam, khẳng định.
Cuộc thi cấp quốc gia phương pháp tính nhẩm siêu tốc Soroban Việt Nam 2018 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 8 này tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 thí sinh được tuyển chọn từ các trung tâm trên toàn quốc. Đây cũng là cuộc thi lần thứ 7 của Hệ thống Soroban Việt Nam, nhằm tuyển chọn những thí sinh xuất sắc nhất, tham gia cuộc thi Soroban quốc tế tại Malaysia vào cuối năm 2018.
|