Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Cái chết thương tâm của Nguyễn Thị Minh Lý (20 tuổi) và Nguyễn Xuân Hoan (13 tuổi) khiến không khí đau buồn vẫn bao trùm trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Xuân Thể (trú tại thôn Đức Lý, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Trên con đường dẫn đến xã Sa Nhơn, người ta chia sẻ với nhau câu chuyện đau lòng của gia đình anh Thể như để nhắc nhở con em mình cẩn thận hơn với ao hồ, sông, suối gần nhà.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ bị tử vong do đuối nước. Hầu hết trẻ em bị đuối nước ở ngoài trường học, tại gia đình và nơi công cộng.
Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Trước di ảnh của hai con, khói hương nghi ngút, anh Thể không thể ngờ rằng kể từ buổi chiều định mệnh ấy hai đứa con anh vĩnh biệt gia đình mãi mãi. Đó là buổi chiều 20/4/2020, khi hai vợ chồng anh đi làm rẫy. Hai con anh là Nguyễn Thị Minh Lý và Nguyễn Xuân Hoan rủ nhau ra hố múc nước tưới rau. Khi Hoan cúi xuống múc nước, không may trượt chân rơi xuống hố. Thấy vậy, Lý cũng nhảy xuống để cứu em. Do cả hai không biết bơi, trong khi hố nước sâu hơn 2 mét khiến hai cháu vùng vẫy trong tuyệt vọng.
Hơn hai tiếng sau, khi trở về nhà không thấy hai con mình, vợ chồng anh Thể mới chạy ra hố nước tìm. Đến nơi, hai vợ chồng hốt hoảng khi thấy mũ của hai chị em nổi lên giữa hố nước. Anh Thể nhảy xuống vớt 2 con lên và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy nhưng Lý và Hoan đã tử vong trước đó. Hố nước mà hai chị em tử vong là của gia đình anh Thể đào để dự trữ nước tưới cỏ voi và các loại cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Binh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đức Lý, xã Sa Nhơn, cho biết, gia đình anh Thể có 4 người con (2 trai, 2 gái); cháu Lý là con cả, Hoan là con út. Các cháu rất ngoan hiền, được bà con trong làng quý mến. Hai cháu bị đuối nước khiến cho cả thôn ai cũng bàng hoàng, đau đớn...
Hai ngày sau, trong khi nỗi đau của gia đình anh Thể chưa lắng xuống, một vụ đuối nước khác lại xảy ra ở làng Chứ (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy), cướp đi tính mạng của 2 trẻ khác. Khoảng 13 giờ ngày 22/4, cháu A Nhớ (7 tuổi) và em gái (4 tuổi, chưa rõ danh tính), con của gia đình A Nhức (21 tuổi); cháu Y Chúc (6 tuổi) con của gia đình A Chủ (25 tuổi), cùng trú ở làng Chứ, theo bố mẹ đi gặt lúa rẫy. Trong khi bố mẹ các cháu đang tập trung gặt lúa, các cháu đã rủ nhau xuống hồ Thủy điện Ya Ly (cách rẫy khoảng 300 mét) để tắm. Đến khoảng 15 giờ 30, khi không thấy các con của mình, hai gia đình tá hỏa chạy ra phía hồ thủy điện tìm. Khi đến nơi, thấy cháu nhỏ 4 tuổi đang đứng khóc trên bờ. Mọi người nhảy xuống tìm vớt các cháu lên, đưa đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã Ya Ly nhưng A Nhớ và Y Chúc đã tử vong trước đó.
Cũng trong ngày 22/4, tại làng Khúc Loong (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), cháu A Khánh (7 tuổi), con anh A Khiên (28 tuổi) và chị Y Níp (25 tuổi) và hai đứa trẻ cùng làng rủ nhau ra hồ chứa nước tưới cà phê để tắm. Trong lúc tắm, A Khánh trượt chân rơi xuống chỗ nước sâu. Thấy vậy, 2 đứa trẻ kia chạy đi tìm kiếm sự giúp đỡ của bà con trong làng. Nhưng do đường quá xa (gần 10km), khi mọi người đến nơi thì A Khánh đã tử vong.
Phòng, chống đuối nước, vấn đề chưa được chú trọng quan tâm
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, từ ngày nghỉ học do dịch bệnh Covid-19 đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ đuối nước. Trong đó, thương tâm nhất là vụ 2 anh em ruột Nguyễn Đình Đỗ (8 tuổi) và Nguyễn Đình Hoàn (5 tuổi) ở xã Đăk Hring (Đăk Hà). Trong lúc nghỉ học do Covid-19, 2 cháu đến nhà bà ngoại chơi. Do bất cẩn nên cả 2 cháu bị ngã xuống ao nước sau nhà và cùng tử vong. Đặc biệt, chỉ trong vài ngày tháng 4 vừa qua, liên tiếp xảy ra 3 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 5 cháu.
Kon Tum là địa phương có địa hình phức tạp, nhiều sông suối, hồ đập. Bên cạnh đó, nhiều hồ nhân tạo của các gia đình để tích nước tưới cho cây trồng. Hệ thống sông, suối và hồ đập này phần lớn đều ở những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Khi xảy ra sự cố, phải mất nhiều thời gian mới có thể tìm được sự trợ giúp của người lớn. Ngay cả địa phương không có sông, ít suối như xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) cũng có trường hợp tử vong do đuối nước, bởi vì nơi đây có nhiều hồ chứa nước tưới cà phê.
Ông A Dẻo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi, chia sẻ: Hiện nay nguy hiểm nhất vẫn là hệ thống ao hồ tự tạo của bà con trồng cà phê. Những hồ này phần lớn ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Nếu sơ hở, trẻ em sẽ đến đây nghịch đùa và điều nguy hiểm có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Binh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đức Lý, xã Sa Nhơn, cho rằng, nếu các bậc phụ huynh để ý đến con em mình thì sẽ hạn chế được những chuyện đau lòng có thể xảy ra. Từ những vụ đuối nước kể trên có thể thấy chúng đều xảy ra khi trẻ nằm ngoài sự kiểm soát của gia đình, xuất phát từ sự chủ quan của người lớn. Để bảo vệ an toàn cho con, các bậc phụ huynh cần giám sát việc chơi đùa hoặc bơi lội của trẻ, tuyệt đối không để trẻ tới những nơi có nguy cơ đuối nước mà không có sự giám sát của người lớn. Ngoài sự nhắc nhở, quan tâm của gia đình và nhà trường, điều quan trọng nhất là các em phải có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ đuối nước.
Theo thống kê trong 4 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 8 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có đến 7 ca do đuối nước.
Tại Gia Lai, theo số liệu thống kê, từ ngày 15/3/2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ đuối nước, làm 18 người chết. Trong đó, có 9 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em, làm 10 cháu nhỏ tử vong.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn