SOS tâm lý trẻ trong gia đình có bạo lực

09:08 | 28/04/2016;
Theo thống kê mới từ Trung tâm phòng chống bạo lực gia đình ở Gold Coast, có khoảng gần 20 biểu hiện rối nhiễu phổ biến về tâm lý của trẻ em khi bị sống trong môi trường gia đình có bạo lực.
Trẻ em từng phải chịu bạo lực hay chứng kiến bạo lực trong gia đình luôn thường có xu hướng tự trách mình/tự đổ lỗi trong mọi hoàn cảnh, hay đau khổ, tự mâu thuẫn, hay sợ hãi, hay lo buồn, hay xấu hổ, hay tức giận/phẫn nộ, trẻ kém tập trung, hay gây hấn, hiếu động thái quá, không nghe lời, khó ngủ, bị ác mộng, tự ti, hay cảnh giác, ít có cảm xúc, có thái độ ngạc nhiên về cuộc sống gia đình bình thường, bi quan khi nói về tương lai, có triệu chứng mệt mỏi về thể chất...
Nỗi buồn của trẻ khi phải sống trong cảnh gia đình bất hòa.
Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu mới được thực hiện với 145 trẻ em trong độ tuổi từ 12-15 và 52 phụ huynh của 52 trẻ đang sống trong những gia đình có bạo lực tại xã Tân An (huyện Thanh Hà, Hải Dương), kết quả cũng cho thấy: Việc trẻ chứng kiến hoặc chịu đựng BLGĐ sẽ dẫn đến hiện tượng rối nhiễu tâm lý ở trẻ. Có tới 34,8% trẻ được khảo sát sống trong gia đình có bạo lực đã bị rối nhiễu tâm lý, lo âu, trầm cảm, trong đó có 15,3% trẻ có dấu hiệu lo âu, trầm cảm ở mức độ nặng. 30,8% trẻ có hành vi gây hấn. Mức độ rối nhiễu tâm lý ở trẻ có mối tương quan thuận với BLGĐ. Trong gia đình, bố mẹ càng có nhiều hành vi bạo lực với nhau, trẻ càng bị rối nhiễu tâm lý nhiều.
Khi phải chứng kiến BLGĐ, trẻ dễ có những biểu hiện lo âu, trầm cảm. 
Theo ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Khi nói về đặc điểm của BLGĐ, một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy là có nhiều khả năng lặp lại hành vi này ở thế hệ sau. Tức là với những trẻ từng bị sống trong cảnh gia đình có bạo lực hoặc chính trẻ cũng bị bạo lực thì sau này khi lớn lên, có nhiều khả năng trẻ sẽ sử dụng bạo lực với những người vợ/chồng, với con cái…”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn