TS Vũ Thu Hương (bên trái) dạy kỹ năng phòng vệ xâm hại cho học sinh. Ảnh internet. |
TS giáo dục Vũ Thu Hương (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc mang kiến thức giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục đến với trẻ em - những ngày vừa qua “tất bật chạy sô” để dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại các trường ở Hà Nội và các tỉnh. Chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, chị cho biết:
Tôi đi dạy cho rất nhiều trường và lớp học sinh từ cấp mầm non đến tiểu học, THCS. Số lượng nhiều đến mức tôi không còn nhớ nổi là bao nhiêu buổi. Các con rất quan tâm và hứng khởi với bài nên vui vẻ, nhiệt tình học và thấy tiếc nuối vì thời gian quá ít.
Trước khi được học, các con hoàn toàn không biết cách nào để thoát ra khi gặp tình huống xấu, đối mặt với yêu râu xanh. Hầu hết các con đều vùng vẫy rất mạnh, nhưng không thể thoát ra được. Chỉ khi giáo viên hướng dẫn, các con mới biết cách làm. Các con cũng không nhận biết được các nguy cơ ở xung quanh mình. Các con rất thơ ngây và đôi khi hỏi những câu rất ngô nghê như: Nếu bạn bố con ôm hôn con thì sao hả cô? Tại sao không được ôm hôn anh chị em họ?...
Dạy ở nhiều nơi, tôi thấy trẻ em ở Hà Nội có nhận thức tốt hơn về vấn đề này. Có một số bé đã biết, có một số bé đã được cha mẹ dạy phản ứng nên thoát khỏi khá dễ dàng ngay lần đầu tiên tôi thử ôm chặt lấy bé.
Ở các tỉnh, điều này không xảy ra. Gần như 100% các con không thể thoát ra nổi. Các con còn ngại ngùng, ngơ ngác khi chúng tôi đề cập đến các vấn đề đó. Có rất nhiều bé giơ tay khi tôi hỏi: Đã có ai động vào con khiến con sợ chưa? Có nhiều nơi, tỉ lệ trẻ giơ tay lên đến trên 50%. Như vậy, tình trạng trẻ bị xâm hại, sàm sỡ lớn hơn rất nhiều so với những vụ việc mà chúng ta biết.
TS Vũ Thu Hương: Cha mẹ cần dạy con hàng ngày để kỹ năng trở thành phản xạ của trẻ. |
Năm 2015, 2016, khi chúng tôi đi dạy về phòng tránh xâm hại ở các tỉnh, các cha mẹ thường ngượng ngùng và né tránh, không muốn đề cập. Họ tỏ ra rất ngại. Vài tháng trở lại đây, hiện tượng này đã giảm. Thay vào đó là sự lo lắng đôi khi là quá mức của các cha mẹ. Họ sợ hãi cho con mình, lúng túng và không biết phải làm gì. Có cha mẹ chỉ hỏi xem làm sao để bao bọc con tốt hơn. Có cha mẹ phân vân là mọi người trong gia đình đều bận, làm sao để có thể đưa đón con được khi xung quanh quá nhiều nguy hiểm.
Việc các trường mời chuyên gia dạy phòng chống xâm hại cho học sinh là điều vô cùng đáng mừng. Bên cạnh đó, để những kiến thức, kỹ năng ấy trở thành phản xạ, cha mẹ cần dạy trẻ hàng ngày bằng cách tạo ra các tình huống để con thoát ra. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần kiểm tra kiến thức của con thông qua tờ rơi Phòng tránh xâm hại mà chúng tôi đã phát. Cha mẹ cũng cần hỏi con những câu hỏi rất quan trọng như: Hôm nay con chơi với ai? Hôm nay có ai làm con buồn không? Hôm nay có ai làm con sợ không? Có ai cho con kẹo không?...
Điều tôi cảm thấy lo lắng và trăn trở nhất là các cha mẹ và nhà trường có đủ kiên nhẫn dạy trẻ lâu dài hay không? Kĩ năng là những nội dung mà trẻ phải được ôn đi ôn lại nhiều lần đến mức trở thành phản xạ.
Hiện nay, khi tình trạng xâm hại trẻ em được đề cập đến nhiều thì các cha mẹ lo lắng và cho con đi học cũng như dạy dỗ con thường xuyên hơn. Tuy nhiên, khi sự việc nguội đi, liệu các cha mẹ và thầy cô có nhớ để dạy trẻ không hay để mọi việc trôi vào quên lãng như những khoảng thời gian trước? Đó chính là điều khiến tôi cảm thấy băn khoăn nhất.