Thông thường, trẻ nhỏ là đối tượng hay bị sốt, nhất là sau khi tiêm và thời điểm giao mùa trong năm. Một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng sốt nhiễm trùng khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy thực tế sốt nhiễm trùng là gì? Vì sao trẻ nhỏ lại thường bị sốt nhiễm trùng và làm thế nào để có thể phòng ngừa bệnh này một cách hiệu quả.
Cơ thể trẻ luôn được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch bên trong. Tuy nhiên, khi có các tác nhân gây hại từ bên ngoài, hệ miễn dịch sẽ hoạt động liên tục để chống lại những tác nhân này. Khi đó, nhiệt độ cơ thể được giải phóng, trẻ sẽ rất dễ bị sốt và xuất hiện một số triệu chứng kèm theo.
Sốt nhiễm trùng là gì? Đây là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng trẻ bị sốt do nhiễm trùng tại một vài vị trí trên cơ thể hoặc cũng có thể là do nhiễm trùng toàn thân.
Phần lớn trường hợp sốt nhiễm trùng ở trẻ em đều là do cơ thể phản ứng lại với một loại bệnh nhiễm trùng nào đó. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ bị sốt là do mọc răng, tiêm phòng hoặc do thay đổi thời tiết.
Trên thực tế, sốt nhiễm trùng ở trẻ em có thể được phân thành 2 dạng cơ bản:
Sốt virus xảy ra khi virus xâm nhập và tấn công cơ thể. Một số loại virus chỉ làm nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ. Tuy nhiên cũng có một số loại virus làm thân nhiệt của trẻ tăng cao dẫn đến hiện tượng sốt.
Trẻ em, và kể cả người lớn bị sốt virus sẽ xuất hiện một số triệu chứng cơ bản như: Đau nhức cơ thể, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, nghẹt mũi, ho hoặc hắt hơi liên tục, đau họng, viêm amidan, tiêu chảy, nôn mửa hay phát ban trên da …
Các triệu chứng của sốt virus thường sẽ xuất hiện liên tục trong 3 - 5 ngày đầu sau đó giảm dần. Bệnh này thường không gây nguy hiểm, nếu điều trị tích cực sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
Ngược lại, trường hợp không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như: Nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, tổn thương tế bào miễn dịch. Một số loại virus có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong.
Sốt nhiễm khuẩn là hiện tượng trẻ bị sốt do các tác nhân như vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng gây ra. Bệnh này có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Trên thực tế, vi khuẩn có thể tồn tại trong cơ thể sống hoặc ở bên ngoài môi trường. Hầu hết các loại vi khuẩn ký sinh trên người đều không gây hại. Ngược lại, các lợi khuẩn còn giúp tiêu hóa thức ăn, tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có một số loại vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là sốt nhiễm trùng ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng của bệnh sốt nhiễm khuẩn cũng tương tự như sốt virus. Ngoài ra, các loại vi khuẩn còn có thể gây ra một số bệnh lý ở trẻ nhỏ như: Viêm họng liên cầu khuẩn, viêm kết mạc, viêm phổi, bệnh bạch hầu, uốn ván, lao, ho gà, viêm phổi, viêm màng não, viêm đường tiết niệu do vi khuẩn, dịch tả hay các bệnh da liễu.
Trẻ nhỏ có sức đề kháng còn yếu, do vậy rất dễ gặp phải tình trạng sốt nhiễm trùng. Tình trạng này xuất hiện cũng có thể là do một số nguyên nhân sau:
- Trẻ vô tình tiếp xúc hoặc tiếp xúc thường xuyên với người nhiễm bệnh hoặc máu, dịch tiết ra từ trong cơ thể của người bệnh.
- Tiếp xúc với các bề mặt, đồ vật hoặc các vật trung gian bị nhiễm bệnh. Bao gồm trong đó là thú cưng, gia súc hoặc các loại côn trùng.
- Sử dụng các loại thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
- Sinh sống ở môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh. Đây là nơi trú ngụ của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Ngoài ra, trẻ bị sốt nhiễm trùng có thể là do lây nhiễm qua giọt bắn hoặc thông qua việc hắt hơi.
Khi đã biết sốt nhiễm trùng là gì, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, bố mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc bé tại nhà bằng việc:
- Kiểm tra nhiệt độ thường xuyên (30 phút một lần) để xác định xem bé có hạ sốt hay không.
- Chườm người bằng khăn ấm để giúp hạ sốt nhanh hơn.
- Bổ sung đủ nước cũng như các chất điện giải cho trẻ, đặc biệt là các thành phần vitamin hay khoáng chất.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thấm hút mồ hôi.
- Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, kháng sinh (trong trường hợp cần thiết) theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ, sốt kéo dài trên 3 ngày kèm theo một số triệu chứng như: Quấy khóc, bứt rứt, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, tím tái, co giật, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, cah mẹ nên tiêm vacxin phòng bệnh cho bé. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên tập cho trẻ những thói quen tốt sau:
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nhất là ở chỗ đông người.
- Tránh để trẻ tiếp xúc hay dùng chung đồ dùng với người bị bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc khi tiếp xúc với khu vực ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh.
- Duy trì thói quen ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường hệ miễn dịch.
- Vệ sinh không gian sống cũng như môi trường xung quanh thường xuyên để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
- Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để phòng ngừa sốt nhiễm trùng.
Trên đây là những lý giải về hiện tượng sốt nhiễm trùng là gì cũng như các biện pháp phòng, ngừa loại bệnh này một cách hiệu quả. Trẻ nhỏ là đối tượng có sức đề kháng kém và dễ bị tác động bởi các loại vi khuẩn, virus xung quanh. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy trang bị đầy đủ kiến thức để có thể chăm sóc và bảo vệ con toàn diện nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn