Trong hơn 5.200 trường hợp SXH, có trên 3.600 bệnh nhân ở phía Nam. Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), so với cùng kỳ năm ngoái, dịch SXH năm nay có xu hướng tăng, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Thời gian tới, dịch bệnh này có thể bùng phát. Tuy nhiên, việc dịch bệnh có lan rộng hay không phụ thuộc nhiều vào công tác phòng bệnh của người dân và cơ quan chức năng.
Việt Nam hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên 1 người có thể mắc nhiều tuýp virus. Hơn nữa, do miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người từng bị SXH vẫn có thể mắc lại. SXH hiện chưa có vaccine phòng chống và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh khá nguy hiểm, vì dễ khiến người mắc tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, người dân cần chủ động phòng, tránh SXH.
Sốt xuất huyết khá nguy hiểm, dễ gây tử vong nếu không được phát hiện
Phòng bệnh hiệu quả
Cũng theo TS Trần Đắc Phu, biện pháp phòng SXH chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng muỗi đốt. Theo đó, mọi người cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Các gia đình cần bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Bên cạnh đó, nên ngủ trong màn, kể cả ban ngày; sử dụng hương muỗi, bình xịt để diệt muỗi và tránh bị muỗi gây bệnh đốt.
Theo Cục Y tế Dự phòng, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh có 2 thể: sốt dengue và SXH dengue. Ở thể bệnh nhẹ, thường là thể sốt dengue, chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong. Người mắc SXH thể này thường sốt cao đột ngột 39-40oC, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban.
Còn nếu mắc SXH thể nặng, thường là thể SXH dengue, chủ yếu bị ở trẻ em với tỉ lệ tử vong khá cao, chiếm khoảng 40%. Nếu mắc bệnh thể này, người bị SXH thường có một hoặc nhiều dấu hiệu như: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi phân đen; đau bụng, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Người dân nên chủ động diệt muỗi, giữ vệ sinh xung quanh nơi ở để bảo vệ sức khỏe gia đình
Vì thế, khi thấy có những dấu hiệu trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Tùy mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội hay ngoại trú.
Nếu bị SXH nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà như: Nằm nghỉ ngơi; uống nhiều nước lọc, nước trái cây càng tốt; nên ăn nhẹ như cháo, súp, sữa; dùng thuốc hạ sốt theo khuyến cáo nhưng không sử dụng aspirin; chườm mát. Nếu có dấu hiệu xuất huyết hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều), người bệnh cần được đưa đến ngay bệnh viện để điều trị.