Sốt xuất huyết ở TP HCM tăng gấp đôi năm ngoái

04:26 | 23/12/2015;
Dù TP HCM đã bước vào cuối mùa mưa, nhưng tình trạng bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn tăng liên tục.
Tính đến cuối tháng 11, toàn thành phố có 15.768 ca SXH nhập viện, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2014 (7.715 ca), trong đó có 6 trường hợp tử vong, cao hơn số ca tử vong năm 2014 (5 ca).
Tại khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 (TP HCM), chị Nguyễn Thị Thu Hà (29 tuổi), ngụ tại Bình Dương đang chăm sóc cậu con trai 9 tháng tuổi. Theo lời kể của chị Hà, con trai đã nhập viện được 4 ngày 3 đêm, nếu tính cả thời gian nằm điều trị tại BV đa khoa Bình Dương thì vợ chồng chị đã trải qua hơn 1 tuần đầy khó khăn. “Ban đầu bé chỉ sốt và ói, tôi đưa bé đến phòng khám, họ kê đơn cho bé uống hai ngày thuốc. Hết ngày đầu tiên, tình trạng bệnh không giảm, tôi đưa con trở lại phòng khám. Sau vài xét nghiệm, họ nói có thể bé bị SXH, cần nhập viện điều trị, nhưng sau 2 ngày, bệnh của bé ngày càng xấu nên bác sĩ cho chuyển lên TP HCM”.

 SXH tại TP HCM chưa có dấu hiệu suy giảm

Theo BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Cấp cứu Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, TP HCM, SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Cũng theo BS Nam, SXH thường xảy ra vào mùa mưa, sau khi bị muỗi chích khoảng 1 tuần đến 10 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
“Hiện chưa có thuốc điều trị SXH, chúng ta chỉ điều trị triệu chứng và biến chứng. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất là các yếu tố phòng tránh thông qua việc giảm thiểu các khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi. Đạy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước. Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Cho bé ngủ trong mùng và sử dụng thuốc chống côn trùng để bảo vệ bé. Trong trường hợp bé sốt kéo dài không giảm và xuất hiện các biến chứng như: Nôn, đi tiểu ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu chân răng…, phụ huynh cần đưa bé đến ngay các trung tâm y tế để làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời”, BS Nam khuyến cáo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn