Start up trẻ ở Lâm Đồng chia sẻ khó khăn khi khởi nghiệp

17:40 | 04/10/2019;
Các vườn ươm, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều càng cổ vũ tinh thần sáng tạo cho giới trê ở tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, khởi nghiệp không đồng nghĩa chắc chắn tạo ra ngay sự thành công.

Đam mê là mấu chốt của khởi nghiệp nhưng chỉ đam mê thôi là chưa đủ, bởi từ ý tưởng đến thực tế là cả một quá trình nhiều thử thách mà không phải ai cũng vượt qua được.

“Nuôi heo bằng trà xanh Tea-ton” là tên dự án khởi nghiệp của Lê Nguyễn Hoài Thương (sinh năm 1995) - cựu SV Trường ĐH Yersin Đà Lạt, là một trong 5 ý tưởng khởi nghiệp được lựa chọn để đại diện khu vực miền Trung, tham dự vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” năm 2017; giải Nhất Cuộc thi “Mô hình và ý tưởng KN trong thanh niên” do Tỉnh đoàn Lâm Đồng tổ chức năm 2017. 

Hoài Thương từng từ chối cơ hội việc làm tại TP Hồ Chí Minh để trở về Bảo Lộc với mong muốn hiện thực hóa dự án của mình, nhưng đến thời điểm hiện tại, sau hơn hai năm, dự án của Thương vẫn chưa được triển khai.

Thương giải thích điều này rằng: “Khó khăn đầu tiên em gặp phải là từ lý thuyết bước ra thực tiễn quá nhiều điều khác biệt. Nếu không đủ kinh nghiệm, em chắc chắn sẽ thất bại vài lần. Thế nên em để nó một bên, giờ em đang đi làm ở một công ty về y tế, quyết tâm gom vốn cũng như học thêm nhiều điều, đợi lúc nào thật sự sẵn sàng rồi mới triển khai dự án”.

 

Các bạn trẻ Lâm Đồng hiện nay khá quan tâm đến khởi nghiệp.

Thiếu vốn, thiếu kỹ năng và thiếu kinh nghiệm - khó khăn của Hoài Thương cũng chính là khó khăn chung của hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp, nhất là các bạn sinh viên. Đây là những rào cản lớn nhất, cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của những nhà khởi nghiệp trẻ.

Hà Thúy Diện - cô gái Tày từ bỏ công việc ở một doanh nghiệp nước ngoài để mở Sàn Homestay tại vùng đất xa xôi Tà Năng (Đức Trọng) - thừa nhận rằng, khi lựa chọn công việc theo sở thích đã vấp phải nhiều rào cản lẫn khó khăn, kể cả việc chấp nhận thay đổi môi trường sống. Cô chia sẻ: Về quê mới thấy cuộc sống vô cùng trong lành và bình yên, tuy nhiên dịch vụ thì thiếu vô cùng. Đó chính là tiềm năng để bất cứ bạn nào ở phố muốn về quê có thể khai thác: Ví dụ làm điện tốt hơn, làm xây tốt hơn, làm thiết kế đẹp hơn, làm dịch vụ sinh nhật cưới hỏi đẹp hơn, dạy kỹ năng nghề, kỹ năng sống, dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật,...

 

Với Hà Thúy Diện (bìa phải), du lịch cộng đồng giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ ngay tại địa phương nơi cô sống.

Phan Thanh Sang - chủ trang trại hoa lan YSA Orchid Đà Lạt, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, sau hơn 10 năm khởi nghiệp, Công ty YSA Orchid hiện đã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm với địa điểm sản xuất tại TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương và cả tỉnh Ninh Thuận. Thanh Sang cho biết: “Mình vẫn nhớ những ngày đầu tập tễnh vào khởi nghiệp, mình đã phải thức đến 2-3 giờ sáng mỗi ngày để nghiên cứu tài liệu, hay đóng hàng cho kịp gửi khách. Không có nhiều vốn và cả kinh nghiệm, mình buộc phải căng sức lên, làm việc gấp đôi người ta để tránh sai lầm và thất bại”.

 

Phan Thanh Sang - chủ trang trại hoa lan YSA Orchid Đà Lạt, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt 

 

Hay như Đoàn Bảo Tín (sinh năm 1993) - CEO của The Choco - thương hiệu socola handmade vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và KN” năm 2017 do Trung tâm hỗ trợ KN Trường Ðại học Ðà Lạt tổ chức, chia sẻ: “Các bạn trẻ khởi nghiệp ở Lâm Đồng còn quá nhiều thiệt thòi so với các thành phố lớn khác, mà cụ thể nhất là Sài Gòn”. Thiệt thòi ở đây mà Tín nói là sự thiếu hụt về các trung tâm đào tạo khởi nghiệp hay các lớp huấn luyện kỹ năng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của chính quyền cũng vừa mới bắt đầu nên không đáp ứng kịp tốc độ của nhà khởi nghiệp.

 

The Choco - thương hiệu socola handmade đạt giải Nhì Cuộc thi “Ý tưởng đổi mới sáng tạo và KN” năm 2017 do Trung tâm hỗ trợ KN Trường Ðại học Ðà Lạt tổ chức.
 

Bà Trương Thị Hồng Thuyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Trường ĐH Đà Lạt chia sẻ rằng: Nguyên nhân khiến nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên bị thất bại, bên cạnh việc tư duy khởi nghiệp chưa đáp ứng đủ yêu cầu thì còn do thiếu một hệ sinh thái khởi nghiệp chuyên nghiệp. Chỉ cần 1-2 năm mà không đi đến kết quả thì người trẻ rất dễ bỏ cuộc. Chính vì vậy mà mới cần đến hệ sinh thái khởi nghiệp cùng đồng hành với các bạn, như vậy sẽ tránh mất tiền, mất thời gian, mất công sức.

 

Bà Trương Thị Hồng Thuyên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Trường ĐH Đà Lạt 

 “Khởi nghiệp không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình phải phát triển đồng bộ nhiều thứ. Việt Nam đang bước chập chững những bước đầu. Đa số các bạn còn đang khởi nghiệp tự phát, chưa tận dụng được hết sự hỗ trợ của các đơn vị nên không tránh được rủi ro là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở Lâm Đồng cũng chưa quan tâm nhiều lắm đến các vấn đề khởi nghiệp thế nên người khởi nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình gọi vốn”, bà Thuyên cho biết thêm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn