Chị Linh thừa nhận, cả gia đình chị đều nuông chiều con. Chỉ cần con muốn gì là mọi người trong nhà đều đáp ứng. Vốn được nuông chiều từ bé nên con trai chị cho mình nhiều quyền. Nếu không được đáp ứng nhu cầu, nếu tâm trạng con không tốt, con sẵn sàng nói hỗn với mẹ.
Lần đưa con đi uống cà phê cùng bạn bè, chị Linh cảm thấy rất xấu hổ, mất mặt khi cậu con trai ngang nhiên đổ cốc cà phê vào quần mẹ. Cậu bé làm vậy chỉ vì không đồng ý việc mẹ ngồi cùng các bạn của mẹ mà muốn dẫn cậu vào trung tâm mua sắm để mua món đồ chơi yêu thích. Dù mẹ hứa sẽ mua và bảo cậu đợi một lúc nhưng cậu không thể chịu được sự chờ đợi, cậu bực tức khi mẹ vẫn nói chuyện với mọi người. Cậu đã có hành động ngang ngược với mẹ như vậy.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hậu (tác giả cuốn sách Đồng hành du học cùng con), nhiều trẻ cho mình nhiều quyền nên phát ngôn bừa bãi hoặc có hành động hỗn với cha mẹ. Để tránh việc trẻ hỗn với cha mẹ thì trước tiên cha mẹ phải thay đổi. Thường thì, khi trẻ hỗn là do trẻ được cha mẹ quá nuông chiều. Nhiều cha mẹ khi con đòi hỏi gì cũng đáp ứng. Cha mẹ cần phải xem những đòi hỏi nào là hợp lý, đòi hỏi nào là vô lý và chỉ đáp ứng cho con những đòi hỏi hợp lý.
Muốn trẻ không hỗn, cha mẹ cần dạy con sống tình cảm, yêu thương và đồng cảm. Đồng cảm sẽ giúp con hiểu tâm lý và cảm xúc của người khác, con biết lắng nghe, con biết làm sai thì bố mẹ có cảm xúc thế nào. Khi trẻ làm sai thì bố mẹ phải miêu tả cảm xúc của bố mẹ cho con để con cảm nhận, từ đó con đồng cảm hơn, con sẽ biết thay đổi hành vi dần dần. Ví dụ, khi trẻ cắn mẹ đau thì phải nói con làm mẹ đau, con làm mẹ rất buồn. Trẻ sẽ hiểu là mình đã gây cho bố mẹ điều tốt hay không tốt. Nếu không tốt thì bố mẹ buồn thế nào, từ từ trẻ sẽ hiểu thế nào là hành vi tốt, xấu.
Để trẻ không hỗn với cha mẹ, cha mẹ đừng biến mình thành người đầy tớ, ô sin cho con. Con muốn cái gì cũng cung phụng, phục vụ con thì con sẽ hỗn hào. Nên để trẻ độc lập dần. Trẻ từng bước phải tự lo cho bản thân, biết vệ sinh cho bản thân, tự học tập và biết tự lập từ nhỏ thì các con sẽ hiểu giá trị của việc phải ngoan ngoãn, tử tế
Cha mẹ không nên quyết định thay con vì con không thể sống mãi trong vòng tay của bố mẹ. Cha mẹ cần cho con quyết định các vấn đề phù hợp với độ tuổi của con. Khi con phạm sai lầm, cha mẹ chỉ cho con lỗi sai và giúp con theo khả năng của mình.
Khi con hỗn hào, cha mẹ phải kiềm chế cơn giận của mình. Cha mẹ không nên đánh, tát con đau quá, cũng không nên nói "mẹ là mẹ của con, sao con dám nói như vậy". Bởi khi lên giọng như vậy, nhiều trẻ cương và bướng lên. Nếu con dùng từ thô tục, hỗn thì hỏi ngược lại con là con có hiểu những từ đó không. Nếu là mẹ, mẹ sẽ không dùng những từ ngữ này nếu mẹ biết nghĩa của chúng. Nên để trẻ và bố mẹ có thời gian suy nghĩ để cơn giận có thể lắng xuống. Khi đó, cha mẹ cần giải thích cho con những ngữ nghĩa của từ hỗn láo và hỏi lại con bây giờ con có dám dùng từ đó không.
Phải cân bằng giữa mong muốn của cha mẹ với nhu cầu của con để có thể trao đổi giữa hai phía, tránh việc con bực tức khi không được lắng nghe nên chửi bậy và nói hỗn. Trong nhiều trường hợp, trẻ học được từ ngữ bậy bạ từ chính gia đình mình. Đôi khi, cha mẹ cần hiểu, khi con nói hỗn, con nói gắt là muốn sự chú ý của cha mẹ, con cần cha mẹ quan tâm. Nếu trẻ được yêu thương thì tất cả những hành vi ngang ngược của con sẽ được giải quyết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn