Câu chuyện về ảo tưởng quyền lực showbiz không phải chỉ là chuyện tranh cãi gần đây, khi Đàm Vĩnh Hưng giới thiệu dự án phim về cuộc đời mình với cái tên "The King: Hào quang rực rỡ" đầy phô trương để rồi sau đó phải bỏ chữ The King vì bị công chúng phản ứng gay gắt.
Những lùm xùm về ở showbiz Việt là câu chuyện dai dẳng, xảy ra từ năm này sang năm khác. Song, đó lại chẳng phải những ồn ào nhằm mục đích phát triển văn hoá, mà lại là những scandal cãi vã đơn thuần, khiến bức tranh tổng thể về showbiz ngày một trở nên bệ rạc hơn.
Tôi muốn dùng từ u uất. Bởi một nền showbiz mà lẽ ra phải là nơi khai phóng và bồi đắp nền văn hóa, thì lại là nơi phản chiếu chất lượng dưới ngưỡng kỳ vọng của chúng ta. Bộ phim với cái tên "đao to búa lớn" như một bằng chứng cho ta thấy rằng showbiz nay dường như là sự cộng hưởng của những khoa trương ồn ã hơn là những thanh âm dìu dặt, trang nhã, chất chứa văn hóa mà ta vẫn hằng mong.
Thực ra, trong thời đại bùng nổ của các công cụ truyền thông cá nhân, những thông tin tiêu cực đang chiếm dụng không gian mạng một cách áp đảo. Người nghệ sĩ có thêm công cụ dễ dàng để đánh bóng hình ảnh mình lấp lánh và màu mè hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự thổi phồng, phô trương, khoe mẽ… đến từ khát khao muốn thu hút sự chú ý bằng mọi giá. Một kéo thủ biết hát, giỏi làm truyền thông, tự gọi mình là ông hoàng này, nhà vua kia… chẳng hơn gì những trò hề khua chiêng, gõ mõ trên không gian truyền thông.
Nền giải trí bây giờ có vẻ được sắp xếp dựa trên sự hỗn nguyên, chao đảo của các giá trị, nghĩa là chẳng có chuẩn mực gì hết! Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ đang đi xuống và chất lượng sản phẩm không phải là thứ hướng đến cuối cùng của không ít nghệ sĩ. Trong đó, sự dễ dãi của công chúng, cộng với ảo tưởng và "ngáo" về quyền lực trong giới giải trí, tạo ra một tầng lớp ngôi sao chưa thể nhận thức được giá trị và vị trí thực của tên tuổi của mình nằm ở đâu.
"Cuộc đời này không có gì là đúng hay sai". Vậy nên, tôi không phán xét câu chuyện hào quang vừa qua ở trục sai đúng. Tôi chỉ xét ở trực hợp tình hợp lý, và rõ ràng, danh hiệu ‘nhà vua’ xuất hiện trong bộ phim đang ở mức tự mãn, là sự ngáo ngơ, huyễn hoặc và ích kỉ khi đề cao cái tôi của bản thân.
Thực ra, giữa việc nghệ sĩ sống bởi đám đông và trục lợi đám đông là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu người nghệ sĩ biết ơn thì đã chẳng bao giờ có chuyện chửi mắng khán giả. Lúc đấy, người nghệ sĩ biết rằng nhờ có khán giả mà mình được như ngày hôm nay, họ hiểu rằng mình đang sống dựa vào tình yêu thương của khán giả. Vô tình hay hữu ý, trực tiếp hay gián tiếp thì khán giả/đám đông vẫn là người nuôi sống nghệ sĩ đấy thôi. Đừng trơ trẽn quay lại dạy đạo đức cho công chúng. Hãy cứ sòng phẳng mà nói câu cảm ơn.
Mọi ngành nghề đều chân chính, đều là bỏ sức lao động, bỏ chất xám ra để kiếm tiền và nó công bằng như nhau. Do đó, nghề nghệ sĩ không có gì cao quý và cũng không có gì phải hy sinh hơn những nghề khác. Không thể nói nghề này có cái tôi cao hơn nghề kia.
Nghề nghiệp nào mà đủ sáng tạo thì đều có những thăng hoa của họ, mà nghề nào cũng phải vật lộn, sáng tạo thì sản phẩm mới tạo được dấu ấn. Người nghệ sĩ đâu phải vị cứu tinh cho nhân loại mà lúc nào cũng đòi hỏi cần được đặc quyền riêng về sự đánh giá.
Dẫu vậy, không thể quy hết trách nhiệm về phía nghệ sĩ. Khán giả Việt phải công nhận vẫn còn quá dễ dãi với những ông hoàng tự xưng, thiếu năng lực nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng thừa sự hoang tưởng. Một khi khán giả vẫn còn mê mẩn sự ồn ào, thì những nghệ sĩ tự xưng mình là ông hoàng, bà chúa sẽ mãi tồn tại. Trên một mảnh đất hoang vu sẽ có nhiều cỏ dại và hoa chen lấn mọc lẫn nhau. Trong một khu vườn của một người làm vườn chuyên nghiệp, họ sẽ biết rằng phải làm thế nào để những loài hoa đẹp mọc lên khoe sắc. Vấn đề quan trọng là cần tạo ra một khu vườn có tính chọn lọc cao với chỉ những bông hoa đẹp nhất được chăm sóc. Sự thiếu chuẩn mực đã tạo ra những sản phẩm thiếu phẩm cấp và chính nó đã quay lại định đoạt, đánh giá những người đã tạo nên họ.
Là một người làm việc và sinh sống ở châu Âu, tôi thấy rõ ràng những chuyện tương tự không bao giờ xảy ra ở nước ngoài. Ở những nước như Đức, nghệ sĩ hoàn toàn không có một phát ngôn nào tiêu cực với công chúng. Nếu có, họ ngay lập tức sẽ bị tẩy chay và nhận một bản án từ khán giả. Tôi cho rằng chính chúng ta, những khán giả, đều nên có những tiêu chuẩn nhất định trong việc định đoạt phẩm cấp của một nghệ sĩ.
Không thể ép bất cứ ai tin vào điều gì nếu họ không thực sự muốn. Sự định đoạt, sự trôi dạt niềm tin của khán giả ra sao là do năng lực nhận thức từ chính những người của công chúng đó. Nền tảng của họ sẽ là cục nam châm đầy sức mạnh từ tính để hút lấy những điều tử tế.
Nghề chính của tôi là về cố vấn truyền thông và xử lý khủng hoảng, tôi thấy có những người cố tình tạo ra khủng hoảng để trục lợi. Ở showbiz, sự ứng dụng đôi khi cực kì ngây thơ và sơ khai với những cách gây ồn ào để tạo sự chú ý. Tôi nghĩ, đó đều là những chiêu trò rất lố, và bất cứ "nghệ sĩ" nào dùng đến cách đó để được quan tâm - phẩm cấp cũng chỉ là hạng xoàng xĩnh mà thôi.
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn hiện đang sinh sống và làm việc tại CHLB Đức. Ông là Chủ tịch Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS) - một hãng vận động hành lang và quản trị danh tiếng ở CHLB Đức, do người Việt làm chủ.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn từng nhận Giải thưởng xuất sắc về Quản trị khủng hoảng và Vận động Hành lang ở châu Âu (Excellence in Crisis Management and Lobby Industry) do Global Brands Magazine công bố năm 2021.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn