Sự khác biệt giữa giáo dục Nhật Bản và phương Tây

13:23 | 30/07/2015;
Cô giáo Sheila đã ghi lại những khác biệt thú vị giữa giáo dục ở Nhật Bản và các nước phương Tây – điều khiến cô quyết định ở Nhật Bản 3 năm thay vì 1 năm như dự định ban đầu.

Sheila Burt (người Mỹ) là giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh ở vùng nông thôn Nhật Bản. Cô tham gia chương trình trao đổi văn hóa (JET) do 3 Bộ của Chính phủ Nhật Bản điều hành, với mục đích giao lưu quốc tế giữa Nhật Bản và các quốc gia khác.

Bữa trưa bình đẳng

Điều khiến Sheila ngạc nhiên là ở Nhật có bữa trưa bắt buộc dành cho toàn bộ học sinh tiểu học và THCS. Nếu ở những nước khác có hình thức bán trú, giáo viên có chế độ ăn riêng thì tại đây, tất cả giáo viên, nhân viên của trường cùng ăn bữa trưa với các món ăn y như học trò của mình.

Bữa ăn khá đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng không hề đắt. Số tiền Sheila phải trả cho bữa trưa ở trường khoảng 45 USD/tháng (20 bữa).

Nếu ở các nước phương Tây, các máy bán hàng tự động rất sẵn trong trường học thì ở Nhật, điều này không tồn tại. Vì thế, học sinh, giáo viên người Nhật có được cơ thể khỏe mạnh mà không bị béo phì như khi sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh.

Cô giáo Sheila (áo đỏ) đã thấy những khác biệt thú vị giữa giáo dục ở Nhật Bản và các nước phương Tây và quyết định ở Nhật Bản 3 năm thay vì 1 năm như dự định ban đầu.

Vệ sinh lớp là một phần của chương trình học

Sau giờ ăn trưa, học sinh tự làm vệ sinh lớp học trong khoảng 20-25 phút. Điều đáng ngạc nhiên, đây cũng là một phần của chương trình giáo dục chính thức và là yêu cầu bắt buộc với học sinh cho tới khi lên đại học.

Học sinh thường lau sàn nhà, cầu thang, khu vệ sinh của trường với tinh thần lao động hăng say như thể các em đang chăm chút cho ngôi nhà do chính mình làm chủ. Tất nhiên, công việc này cũng được các giáo viên giám sát.

Trong khi đó ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, việc dọn vệ sinh lớp học, trường học đều “khoán trắng” cho nhân viên vệ sinh.

Xuất khẩu giáo dục thể chất

Một khác biệt nữa là trong khi nhiều trường học ở các nước đang phát triển không có sân vận động hay khu thể thao riêng biệt thì ở các trường Nhật Bản, giáo dục thể chất là vấn đề được đầu tư kỹ lưỡng.

Ngay từ nhỏ, học sinh Nhật Bản đã được hướng dẫn những động tác cơ bản và các kỹ thuật vận động. Các chuyên gia huấn luyện thể chất ở nước này cho rằng, đây là điều cần thiết để học sinh được vận động thể chất, đảm bảo sức khỏe.

Thậm chí, đến năm 2020, Nhật Bản còn dự kiến “xuất khẩu giáo dục thể chất” sang 15 quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi.

Năm 2014, Nhật đã có kế hoạch cử các nhóm chuyên gia tới 3-5 quốc gia để chuyển giao “công nghệ” cụ thể: Đào tạo thể chất cho giáo viên, học sinh ở một số trường, sau đó sẽ nhân rộng ra các trường khác.

Hầu hết các học sinh ở Nhật Bản đều tham gia ở một câu lạc bộ nào đó, dù đây không phải là hoạt động bắt buộc. Giáo viên, học sinh đều quan niệm, tham gia hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ là cách quan trọng để phát triển tiềm năng và tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần.

Lớp học đơn điệu, học sinh rụt rẻ

Điểm đặc trưng của giáo dục Nhật Bản là ngay từ khi bắt đầu đi học, học sinh đã bắt buộc phải mặc đồng phục và việc này sẽ duy trì tới khi các em vào đại học. Đồng phục thường có màu xanh hoặc đen, nữ sinh mặc váy và nam thì mặc jacket.

 

Học sinh Nhật được khuyến khích rèn luyện tính tự giác từ nhỏ

Học sinh Nhật Bản khá rụt rè, giáo viên thường khá vất vả khi muốn học sinh bày tỏ suy nghĩ. Hầu như không có học sinh nào muốn là người đầu tiên đưa ra câu trả lời. Học sinh thường chờ thầy cô giáo chỉ định mới phát biểu.

Theo cảm nhận của Sheila, các lớp học ở nông thôn Nhật Bản hơi buồn tẻ. Nhiều giáo viên Nhật tỏ ra ngạc nhiên khi thấy các lớp học ở phương Tây rất sinh động khi được dán nhiều tranh ảnh, màu sắc đa dạng, cuốn hút.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn