Sự khác biệt giữa Tết Việt và Tết Tây

10:28 | 06/02/2019;
"Ai từng đón Tết quê hương, sum vầy bên gia đình trong những ngày đầu năm mới, khi sang xứ người lạnh giá thì những kỷ niệm ấm nồng ấy sẽ tự nhiên quay về mà không cần báo trước",... chị Kim Liên Jahn, Việt kiều Đức chia sẻ.
banh-chung-o-duc.jpg
Bánh chưng, bánh tét ở Đức

 

Chị chia sẻ: Buổi sáng sớm rời khỏi nhà trong thời tiết lạnh khô nhiệt độ ngoài trời khoảng từ 18-22 độ C, có nắng gió nhẹ, tôi tranh thủ hít thở không khí thật sâu vào lồng ngực và bước chầm chậm đến quán cà phê gần nhà để thưởng thức buổi ăn sáng bình yên.
 
Tôi cảm thấy sinh hoạt của mọi người chung quanh nhộn nhịp hẳn lên, nhất là các hội chợ, các quán ăn, khu chợ thực phẩm, khu mua sắm quần áo, cửa hàng mỹ phẩm… Nơi ông xã tôi làm việc là một siêu thị gần nhà có tên Penny Markt cách nhà tôi đi bộ chỉ 5 phút. Tôi là một trong những khách hàng thân thiết ở nơi này. Khi nhìn những hộp bánh kẹo mứt lẫn các mặt hàng trang trí như cây thông, đèn tròn đủ loại hoa văn màu sắc sặc sỡ, tôi giật mình nhận ra một năm đã trôi qua. Khi chuẩn bị đón Tết Tây thì tôi lại nhớ thương Tết Việt da diết.
 
kim-lien-jahn-2.jpg
Chị Kim Liên Jahn

 

Tôi thường ngẫm nghĩ và tự đặt câu hỏi: “Lạ thật, cũng là Tết, nhưng sao Tết Tây yên ả lạ thường, yên lặng hơn cả những ngày thường. Mọi người chỉ quây quần bên nhau vào đêm Giáng Sinh để ăn tối và trao quà tặng cho nhau. Rồi sau đấy, họ lại quay về với vị trí và công việc của mình. Đúng ngày 1/1 thì họ bắt đầu đốt pháo khoảng 15 phút, thế là xong. Tết của họ sao mà quá đơn giản”.
 
Tết Nguyên đán của ta hoàn toàn ngược lại. Tết ta đến với mọi người trong thời tiết nắng ấm cộng với sự ồn ào, náo nhiệt. Gia đình nào cũng nhộn nhịp hơn. Người Việt mình phải chuẩn bị bao nhiêu thứ cho Tết trước khi chuẩn bị đón giao thừa thắp hương cúng lễ ông bà. Không khí rộn rã tưng bừng náo nhiệt từng góc phố nhỏ đến các trung tâm đô thị sầm uất. Ở đó có sự lo toan, tất bật nhưng cũng có niềm vui, hy vọng hòa cùng. Ai cũng mong một năm mới tốt đẹp hơn, cuộc sống sung túc hơn. Cảm giác vui tươi, ấm áp tràn ngập trong mỗi gia đình.
 
kim-lien-jahn-3.JPG
Chị Kim Liên Jahn (ngoài cùng, bên trái) trong một lần về ăn Tết ở quê nhà

 

Ai đã từng đón Tết quê hương, sum vầy bên gia đình trong những ngày đầu năm mới, khi sang xứ người lạnh giá thì những kỷ niệm ấm nồng ấy sẽ tự nhiên quay về mà không cần báo trước. Nhớ Tết là nhớ tất tần tần mọi thứ không chỉ là thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, mà còn là phong tục tập quán; đất nước quê hương, cha mẹ, ông bà tổ tiên... Bởi vậy, khi Tết Tây đến, tôi lại nôn nóng chuẩn bị khăn gói mong được về quê hương để đón Tết ta bên gia đình. Nếu vì hoàn cảnh nào đó mà không thể về được quê hương, tôi cũng sẽ ăn Tết đúng theo phong tục tập quán quán của quê mình.
 
hoa-dao-quat-o-duc.jpg
Hoa đào, quất ở Đức ngày Tết

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn