Talkshow Sách và sứ mệnh người thầy do Sbooks tổ chức nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa diễn ra tại Đường sách TPHCM. Tham gia sự kiện có các diễn giả: Nhà báo Trung Nghĩa - Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM 2023-2024; TS Nguyễn Thị Thu Huyền - thành viên nhóm biên soạn sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên Tiếng Việt 2 và Tiếng Việt 3; MC Giáng Ngọc - giảng viên thỉnh giảng Đại học Ngân hàng TPHCM.
Tại chương trình, các khách mời đã cùng trao đổi về tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt xưa và nay cũng như vai trò của thầy, cô giáo và Đại sứ Văn hóa đọc trong việc lan tỏa sự học, sự đọc với giới trẻ.
Theo các diễn giả, sứ mệnh người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn rèn giũa nhân cách cho mỗi học trò. Đặc biệt, sứ mệnh người thầy cũng hướng dẫn phương pháp đọc sách và xây dựng văn hóa đọc cho mỗi học trò.
Đưa ra ý tưởng talkshow Sách và sứ mệnh người thầy, nhà sáng lập Sbooks Nguyễn Anh Dũng bày tỏ: "Trong suốt cuộc đời, tôi đã được dẫn dắt, chỉ lối bởi rất nhiều người thầy. Và chính những người thầy ấy đã giúp tôi tìm ra những cuốn sách thay đổi cuộc đời mình". Điều này cũng được các diễn giả Nguyễn Thị Thu Huyền, Trung Nghĩa, Giáng Ngọc chia sẻ ở những góc độ khác nhau.
Trong kỷ nguyên hội nhập, công nghệ phát triển rất nhanh. Sứ mệnh người thầy giúp con người qua khúc sông nhỏ ở chặng đầu tiên, còn người thầy tiếp theo chính là những trang sách. Đọc sách là đang học gián tiếp với một người thầy nghiêm khắc và vô tư.
Tác giả Trung Nghĩa bày tỏ: "Mỗi chúng ta là một cơ thể vật lý, chúng ta phải nghỉ ngơi, ăn uống mới phục hồi sự vận động. Còn trí tuệ nhân tạo AI hoạt động 24/24 nên những kiến thức từ AI giúp cho con người rất nhiều và đồng thời cũng cho thấy sự phát triển ngày nay không có điểm dừng. Trong bối cảnh như vậy, sự học ở đây mang ý nghĩa rộng".
Tương tự, MC Giáng Ngọc khẳng định: "Sách và người thầy không khác nhau, thầy là sách và sách cũng là thầy. Tôi nghĩ, dù là bây giờ chúng ta có rất nhiều thứ thu hút sự quan tâm của mình, nhưng chúng tôi luôn có một người thầy bất hủ chính là sách".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng, khi nhắc đến hai từ "hiếu học", có thể chúng ta thấy có vẻ cổ điển quá, lớn lao quá. Tuy nhiên, có một cụm từ mà ngày nay chúng ta nhắc nhiều hơn và quen thuộc hơn, đó chính là học tập suốt đời. Đấy cũng là mục tiêu mà tất cả hệ thống giáo dục trên thế giới hiện nay, bao gồm cả Việt Nam, đang theo đuổi.
"Vậy thì "sách và sứ mệnh người thầy" không đòi hỏi những nghi lễ trang trọng hay hoành tráng gì, mà chỉ khuyến khích mỗi người học tập suốt đời. Tất cả chúng ta trước đây có thể dự đoán được tương lai 20 năm, 30 năm dễ dàng hơn nhưng hiện nay thì mọi người chỉ có thể dự đoán mọi thứ trong vòng khoảng 3 năm đến 5 năm thôi. Bởi thế giới văn minh buộc chúng ta phải cập nhật và học hỏi những kỹ năng mới. Khi con người có ý thức rõ ràng về sự "lỗi thời" hay "lỗi nhịp" thì tinh thần hiếu học được khơi dậy mạnh mẽ", Tiến sĩ Thu Huyền nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh: "Tôi quan niệm, tình yêu sách và thói quen đọc sách phải hình thành càng sớm càng tốt, như cách chúng ta tìm thấy một người thầy tin cậy, ngoài người thầy bằn xương bằng thịt ở mái trường. Ở phương diện tâm lý, cần xác định, khi trẻ em chưa tiếp xúc những thú vui nghe nhìn hấp dẫn khác là cơ hội thích hợp để phụ huynh hun đúc tình yêu sách cho con em mình. Còn khi con người đã bị lôi cuốn vào những giá trị hào nhoáng hoặc các kênh giải trí dễ dài, thì rất khó có được sở thích đọc sách.
Tôi nhận thấy, sứ mệnh người thầy có cả vai trò đại sứ văn hóa đọc. Cho nên, trường học nhất định phải có tủ sách, gia đình nhất định phải có tủ sách, và điều kiện đọc sách chia đều cả thành thị lẫn nông thôn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn