Sự nghiệp lừng lẫy của NSND Lý Huỳnh và mối tình "50 năm vẫn nắm tay dạo phố"

12:30 | 22/10/2020;
Không chỉ là ngôi sao với gia tài điện ảnh đồ sộ, cố NSND Lý Huỳnh còn là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình.

Theo thông tin từ diễn viên Lý Hùng, cha anh - NSND Lý Huỳnh vừa qua đời vào sáng nay (22/10) tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, thọ 78 tuổi. Lý Hùng tiết lộ rằng cha anh ra đi bình yên bên vòng tay người thân: "Trước khi mất có lẽ ba đã mãn nguyện khi đã được gặp tất cả các con, cháu của mình bên giường bệnh".

NSND Lý Huỳnh sinh năm 1942 tại Vĩnh Long. Ông là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim đình đám trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Xuyên suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình, Lý Huỳnh ghi dấu ấn với những thành tích nổi bật như: Người đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng võ Việt Nam, nổi tiếng với chiêu liên hoàn bát cước (tung người đá tám cước trên không) và từng thách đấu huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Đặc biệt, từ thập niên 1970 đến đầu 1990, ông chuyển hướng đóng phim và trở thành một trong số người Việt tiên phong đưa võ thuật vào điện ảnh.

Lý Huỳnh quan niệm rằng đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật. Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động. 

"Mang ơn điện ảnh đã cho tôi cơ hội đổi thay số phận"

Trong gia tài nghệ thuật đồ sộ lên tới 52 tựa phim, Cô Nhíp có lẽ là bước ngoặt đáng nhớ nhất với cố nghệ sĩ bởi nó đã mở ra cánh cửa mới trong sự nghiệp diễn viên của Lý Huỳnh. Ngay cả đạo diễn Khương Mễ cũng từng chia sẻ rằng, ông chọn Lý Huỳnh cho vai đại tá Hoàng trong Cô Nhíp vì ông thấy được ở con người này tài năng diễn xuất tiềm ẩn, nhất là khả năng lột tả được phong thái nhân vật phản diện, rất cần cho những bộ phim thời ấy.

Quả thật sau đó, Cô Nhíp chính thức giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 4 (1977), rồi nhận bằng khen tại Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới ở Bình Nhưỡng.

Có bước khởi động hoàn hảo từ Cô Nhíp, con đường điện ảnh với Lý Huỳnh trải thênh thang với hàng loạt tác phẩm đình đám: Mối tình đầu, Vùng gió xoáy, Ông Hai Củ, Hòn đất, Mùa gió chướng... Trong số đó, Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy đã trở thành vai diễn để đời của Lý Huỳnh.

Có thể nói lão nông tri điền Hai Lúa trong Vùng gió xoáy là một thử thách khắc nghiệt mà đạo diễn - NSND Hồng Sến dành cho ông lúc ấy, sau hàng chục vai phản diện. Để diễn được, ông phải lặn lội về vùng quê miền Tây hàng tháng trời, sống với nông dân, làm quen với cuộc sống nông thôn, tập làm công việc đồng áng, học cách sinh hoạt, học lời ăn tiếng nói của họ để trở thành một Hai Lúa thực thụ.

NSND Lý Huỳnh từng chia sẻ trong số hơn 50 phim đã đóng, ông thích nhất 4 vai diễn: ông trùm “Ba búa” trong Mối tình đầu, ông Hai Củ - phim Ông Hai Củ, đại úy Long - phim Mùa gió chướng và Hai Lúa của Vùng gió xoáy.

Nỗ lực của Lý Huỳnh đã được đền đáp khi vai chính diện đầu tiên của ông giành giải Bông sen vàng ở hạng mục Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6. Hình tượng Hai Lúa của Lý Huỳnh đã in sâu trong đời sống xã hội và cái tên Hai Lúa trở thành danh từ cửa miệng của mọi người để chỉ người nông dân chân chất, thật thà nhưng bộc trực, thẳng thắn vùng quê Nam Bộ. 

Không chỉ thành công ở vai trò diễn viên, Lý Huỳnh còn là nhà sản xuất - đạo diễn cực kỳ thức thời và có tâm với nghệ thuật. Ở thời điểm điện ảnh nước nhà gặp khó khăn, ông là nghệ sĩ đầu tiên đầu tư vốn làm phim. 

NSND Lý Huỳnh và con trai - diễn viên Lý Hùng trên phim trường Tây Sơn hào kiệt.

Hãng phim Lý Huỳnh của cố nghệ sĩ đã thực hiện hơn 30 bộ phim đủ thể loại: lịch sử, tình cảm, hành động như: Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Thăng Long đệ nhất kiếm, Nước mắt học trò… Trong đó Tây Sơn hào kiệt với kinh phí 12 tỷ đồng được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bộ phim truyện nhựa thể loại dã sử võ hiệp được đầu tư dàn dựng lớn nhất Việt Nam. 

Hãng phim Lý Huỳnh cũng được công nhận là hãng phim tư nhân đầu tiên sản xuất bộ phim nhựa hoành tráng nhất Việt Nam. Ngoài ra Lý Huỳnh còn có cả những phim hợp tác sản xuất với Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), Australia như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng… mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới.

Vợ chồng NSND Lý Huỳnh nhận bằng xác lập kỷ lục cho bộ phim Tây Sơn hào kiệt.

Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993, Lý Huỳnh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và đến năm 2012 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Đáng nói hơn cả, thế hệ tiếp nối theo ông cũng toàn cái tên được biết đến trong làng phim ảnh và võ thuật như: đạo diễn Lý Sơn, diễn viên Lý Hùng, Lý Hồng, Lý Hương…

Mối tình chung thủy 50 năm vẫn nắm tay nhau không rời

Sự nghiệp điện ảnh của NSND Lý Huỳnh được huy hoàng như vậy là có công lớn của người vợ. Khi được hỏi ai là người có tiếng nói nhất trong nhà, các thành viên trong gia đình ông đều nhất loạt trả lời: bà Lan! Bà Lan là tên thường gọi, còn tên thật là Đoàn Thị Nguyên, vợ của nghệ sĩ Lý Huỳnh. Cả đời chưa từng đóng một vai nhỏ nào nhưng bà là chỗ dựa vững chắc cho mọi hoạt động nghệ thuật của chồng con.

Lý Hùng cùng bố mẹ - vợ chồng NSND Lý Huỳnh và em gái.

Tình yêu giữa Lý Huỳnh và vợ bắt đầu từ thuở 18, khi cả hai là sư huynh - sư muội đồng môn tại lò võ. Sau khi kết hôn, bà Lan giã từ sự nghiệp võ thuật, trở thành người nội trợ chuyên nghiệp, lo từng miếng cơm tấm áo cho chồng con. Thời điểm Lý Huỳnh đi đóng phim, cát-xê chỉ đủ uống cà phê nhưng vì thấy được niềm đam mê trong mắt chồng nên bà Lan quyết định đứng ra gánh vác kinh tế, "để có đồng ra đồng vào, cho ổng an tâm đi đóng phim".

Sau này khi hãng phim của gia đình thành lập, bà Lan lại có thêm 1 công việc mới là đảm trách vai trò giám đốc tài chính cho những sản phẩm mang thương hiệu Lý Huỳnh. Bà từng dí dỏm kể rằng, nguyên tắc điều phối vốn của hãng là "bớt thù lao của người nhà để trả thù lao cho người ngoài". Chẳng biết có phải vì vậy mà hãng từng mời được những gương mặt nổi tiếng khi ấy như Lê Tư hay Mạc Thiếu Thông sang Việt Nam đóng phim hay không?

Bà Lan - tên thật là Đoàn Thị Nguyên, người đàn bà thầm lặng trong gia đình họ Lý.

Một điều đặc biệt nữa ở vợ Lý Huỳnh là cách bà ứng xử đầy bao dung với những người phụ nữ hâm mộ chồng mình. Bà Lan tâm sự rằng chồng mình là nghệ sĩ nên mình cần phải biết cách xử sự khéo léo để không làm tổn hại danh dự của chồng. Có giai thoại truyền rằng bà từng đứng ở ngoài giữ xe, để chồng vào nhà hàng gặp fan cuồng của mình. Kết sau cùng, người này lại trở thành bạn đặc biệt của gia đình.

Khi vừa bước qua độ tuổi xế chiều, biến chứng của bệnh tật cùng sự cố liên quan đến cô con gái út từng khiến nghệ sĩ Lý Huỳnh lao đao trước định mệnh. Cũng may, những ngày ấy người vợ thủy chung của ông đã ngày đêm chăm sóc và đỡ dìu ông qua cơn bão. 

Tình yêu của cặp vợ chồng già sau 50 năm sống chung và có 6 mặt con chỉ đơn giản là mỗi ngày, nghệ sĩ Lý Huỳnh đều nhờ con dìu ra vườn để hái hoa tặng vợ. Ban đêm, dạo phố, ông luôn nắm tay bà. Nhắc đến tình yêu của cha mẹ mình, nam tài tử Lý Hùng từng ngậm ngùi thổ lộ: "Đó là hạnh phúc mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được. Tôi vẫn ấp ủ hy vọng sau này may mắn gặp một người và gắn bó đến cuối đời như cha mẹ mình".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn